Xây dựng các giá trị văn hóa gia đình trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Việc xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay là một vấn đề hết sức hệ trọng và cấp bách.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Những nội dung này là sự tiếp nối quan trọng thể hiện tầm nhìn của Đảng về gia đình và công tác gia đình trong bối cảnh mới. Qua đó thấy được vai trò quan trọng của gia đình trong quá trình xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, văn minh và giàu bản sắc. Từ đó cho thấy, ở góc độ lý luận và thực tiễn, việc xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay là một vấn đề hết sức hệ trọng và cấp bách.
Văn hóa gia đình và xây dựng văn hóa gia đình
Gìn giữ văn hóa gia đình và xây dựng văn hóa là truyền thống quý báu của người Việt Nam. Từ thuở xưa các cụ vẫn lấy câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho giáo như một chân lý giáo dục con người rèn luyện bản thân, làm cho gia đình mình tốt đẹp, chỉnh tề, có nề nếp, gia phong có như thế mới có thể tính chuyện đại sự. Ngày nay, dù nhiều giá trị đã có biến đổi, nhưng “tề gia” vẫn là giá trị cốt lõi, làm nền tảng cho xây dựng và phát triển đất nước.
Văn hóa gia đình truyền thống: Trong xã hội Việt Nam truyền thống, văn hóa gia đình được thể hiện ở nếp nhà hay còn gọi là gia phong. Gia phong là yếu tố sâu rễ, bền gốc, đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của gia đình người Việt thuở ban đầu dựng nước và giữ nước, hình thành nên những nét truyền thống quý báu, khởi nguồn cho hệ thống giá trị văn hóa, được truyền lại cho đời sau kế thừa, gìn giữ, phát huy.
Văn hóa gia đình là nét đẹp ứng xử trong gia đình Việt Nam truyền thống như sự hoà thuận, chung thuỷ, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em, v.v. Gia đình là nơi duy trì, bồi đắp những thuần phong mỹ tục của cộng đồng, dân tộc.
Gia đình còn là nơi giáo dục, rèn luyện phẩm chất mỗi con người. Vì đây là nơi con người sinh ra và được nuôi dưỡng từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành. Sự trưởng thành ấy có bền vững hay không đều xuất phát căn bản từ những bước khởi đầu trong gia đình. Văn hóa gia đình chính là nền tảng để phát triển toàn diện con người và làm nên sức sống mãnh liệt của gia đình và xã hội Việt Nam.
Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc là quan điểm, tư tưởng của Đảng ta xuyên suốt nhiều thời kỳ lịch sử. Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam… với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”. Như vậy, xây dựng văn hóa gia đình chính là đặc biệt quan trọng, là sự tạo lập nền tảng để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để tế bào gia đình khỏe mạnh chính là nâng cao xây dựng văn hóa gia đình, từ môi trường gia đình sẽ cống hiến cho xã hội những công dân có phẩm chất, năng lực toàn diện.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, các giá trị văn hóa gia đình càng phải được chú trọng và đề cao. Bởi lẽ, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, một xã hội muốn vận hành, phát triển mạnh mẽ thì các tế bào phải khỏe mạnh.
Để tế bào gia đình khỏe mạnh chính là nâng cao xây dựng văn hóa gia đình, từ môi trường gia đình sẽ cống hiến cho xã hội những công dân có phẩm chất, năng lực toàn diện. Con người được trưởng thành trong gia đình với các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, sẽ trở thành nguồn gốc, động lực của sự phấn đấu, hy sinh hết mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Xã hội sẽ được lan tỏa những giá trị văn hóa bởi các cá nhân đó, đồng thời từ đó có gia đình thế hệ tiếp theo phát huy và duy trì văn hóa gia đình. Vì các giá trị văn hóa gia đình là hệ thống những gì tinh hoa, tinh túy nhất được kết tinh khi con người bắt đầu có cuộc sống gia đình, sinh con và nuôi dưỡng con cái, giúp ích cho sự nghiệp cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tóm lại, xã hội muốn phát triển bền vững cần phải chú trọng xây dựng các giá trị văn hóa gia đình. Đó là khởi nguồn của các giá trị văn hóa góp phần tạo nên bản lĩnh, ý chí và sức mạnh xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Những vấn đề đặt ra
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, văn hóa gia đình Việt Nam đang chịu những tác động nhiều chiều và biến đổi mạnh mẽ, làm cho nhận thức của con người về gia đình có nhiều thay đổi.
Thế giới bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam và cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó có sự lung lay về những giá trị văn hóa gia đình truyền thống trước những làn gió mới của văn hóa phương Tây. Sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa của phương Tây đề cao tinh thần dân chủ, bình đẳng sự tôn thờ giá trị cá nhân. Con người hướng đến cuộc sống độc lập đề cao giá trị cá nhân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy của người Việt Nam hiện nay, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Gia đình, đối với không ít người hiện nay, gia đình không còn là giá trị duy nhất. Những giá trị văn hóa gia đình cũng có những thay đổi nhất định. Nếu như văn hóa gia đình truyền thống là: vợ phục tùng chồng, đảm nhận “nữ công gia chánh” là “công dung ngôn hạnh”; con cái phải nhất nhất nghe lời cha mẹ…thì hiện nay tính chất thứ bậc cũng như vai trò của các thành viên trong gia đình đã có những biến chuyển. Vợ chồng bình đẳng hơn trong gia đình và bình đẳng trước pháp luật. Phụ nữ có công ăn việc làm, không phải phụ thuộc vào chồng, được học tập, tham gia các công tác xã hội. Bên cạnh sự quan tâm đến nhau, mỗi người chồng, người vợ đều có những mối quan tâm khác.
Ở gia đình truyền thống sự hòa thuận, đầm ấm sum họp là một giá trị, thì hiện nay sự thành đạt cá nhân được bổ sung thêm và trở thành một giá trị. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đang dần trở nên lỏng lẻo, đặc biệt tại những gia đình sống ở thành phố và vùng đô thị hóa, nơi tiếp thu mạnh mẽ, nhanh chóng những thành tựu rực rỡ của thời đại 4.0.
Biểu hiện rõ nhất là sự thiếu thốn và nguội lạnh của những bữa cơm gia đình; tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn; mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi; tình trạng bạo lực trong gia đình; những tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập vào một số gia đình… Những giá trị văn hóa cũng cần thiết để bồi đắp thêm cho những giá trị văn hóa truyền thống đã có. Tuy nhiên, cần phải có sự chắt lọc, tiếp biến phù hợp với giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc.
Tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường làm cho giá trị của đồng tiền trở thành thước đo giá trị con người. Những cạm bẫy sinh ra từ vật chất bắt đầu nhiều hơn, làm cho người thiếu bản lĩnh dễ bị sa ngã. Từ đây, những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, sống cơ hội, thực dụng đang diễn ra phức tạp ở nhiều nơi. Mỗi cá nhân, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên có chức quyền cần phải hết sức tỉnh táo, tự mình đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân, nâng cao tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống để giữ gìn danh dự thiêng liêng, cao quý của mình.
Như vậy, trước những thách thức của bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần phải có sự kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống với giá trị hiện đại, biết loại bỏ những yếu tố lỗi thời, giữ lấy những gì là tinh hoa, bản sắc, đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa với quốc tế để tiếp nhận những giá trị văn hóa mới. Từ đó xây dựng gia đình vừa phù hợp bối cảnh, vừa đạt được mục tiêu theo Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam” “…thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”.
Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng và phát triển bền vững, đó là ước nguyện, khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.
Một số giải pháp xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan ban ngành về tầm quan trọng của việc phát huy và xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phải được quán triệt nhận thức sâu sắc hơn quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững, ổn định của xã hội. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng địa phương, từng gia đình một các hiệu quả. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục phải phong phú, nội dung đa dạng, sáng tạo.
Thứ hai, mỗi cá nhân phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cũng như lan tỏa tới các thành viên trong gia đình về thực hiện và xây dựng các giá trị văn hóa gia đình.
Cá nhân bắt đầu từ các bậc ông bà, cha, mẹ trong gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trọng việc giữ gìn và xây dựng văn hóa gia đình. Ông, bà, cha, mẹ cần phải trở thành những tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống lành mạnh, giữ gìn nếp sống cho gia đình để các thành viên trong gia đình học tập và noi theo. Chú trọng giáo dục con cái phát triển toàn diện về đức – trí – thể - mỹ.
Thứ ba, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình
Các cơ chế, chính sách, pháp luật cần phải được tham khảo thêm ý kiến của người dân thông qua đối thoại trực tiếp. Trên cơ sở đó các cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền giải quyết những thắc mắc hoặc tâm tư của nhân dân, đồng thời từ đó có định hướng đúng đắn, đầy đủ trong xây dựng văn hóa gia đình bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Đẩy mạnh các chính sách như: xây dựng gia đình hiếu học; chính sách đối với gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chính sách đối với người cao tuổi…Những ưu điểm và hạn chế còn tồn tại của các chính sách này. Đây cũng là cơ sở xây dựng, hoạch định cơ chế, chính sách xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình đúng, trúng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thứ tư, nhanh chóng thiết lập hệ giá trị văn hóa gia đình phù hợp, đáp ứng bối cảnh hiện nay để đưa vào đời sống như một quy định, chuẩn mực của lối sống gia đình.
Việc xác lập hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là điều kiện rất quan trọng. Bởi vì, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt xây dựng văn hóa gia đình. Xác lập được hệ giá trị văn hóa gia đình phù hợp với bối cảnh từng thời kỳ quyết định diện mạo gia đình, cũng như sự phát triển của mỗi gia đình, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Thứ năm, xây dựng mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa gia đình - nhà trường và các tổ chức xã hội để có sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ em.
Thứ sáu, xã hội cần hỗ trợ các bậc cha, mẹ để họ có những phương pháp, biện pháp, nội dung giáo dục mới phù hợp với sự thay đổi những giá trị mới của gia đình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng và phát triển bền vững, đó là ước nguyện, khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Gia đình là tổ ấm thiêng liêng, là nơi hun đúc hình thành và phát triển con người. Con người phát triển toàn diện sẽ cống hiến và xây dựng xã hội tốt đẹp, văn minh, quốc gia phát triển hùng mạnh. Vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình, biết xây dựng các giá trị văn hóa gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, chung tay góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.
- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.
- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.
- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép.
- Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình.
- Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính.
- Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.
(Trích Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình)