Du lịch

Quảng Ninh: Đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản

Hải Ngân 22/12/2024 01:38

Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản được xem là hướng đi đúng đắn góp phần khẳng định, nâng cao giá trị thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh.

37.jpg
Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Động lực tăng trưởng mới

Được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, tỉnh Quảng Ninh là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nhiều dạng thức văn hóa của đất nước với một kho tàng hết sức quý báu về di sản văn hóa và thiên nhiên.

Tỉnh Quảng Ninh có 630 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và hơn 400 di tích đã được kiểm kê. Cùng với đó là 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, di tích nổi tiếng trong và ngoài nước, thu hút đông đảo nhân dân, du khách là Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử... Các nguồn di sản này đã và đang là nguồn lực quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh.

Theo ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, những yếu tố này không chỉ tạo cơ hội phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn tạo nền tảng xây dựng một nền kinh tế di sản bền vững. Không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, du lịch và xã hội.

36-e463f0eafe77e88d58f3dace2fd6fd65.jpg
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế di sản.

Còn theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, với tư duy vượt trước và đột phá phát triển mạnh mẽ, trong những năm qua, Quảng Ninh đã tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa trên ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để tu bổ, tôn tạo và làm gia tăng giá trị của các di sản, góp phần đưa các di sản trở thành một động lực mới, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm của Quảng Ninh trong bảo tồn và phát triển các di sản trở thành động lực phát triển là bài học có giá trị đối với các địa phương khác trên cả nước.

Thực tế, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương luôn có sự tìm tòi, đổi mới về tư duy, cách làm mới, sáng tạo và những quyết sách, hành động đột phá góp phát triển kinh tế - xã hội. Để tỉnh Quảng Ninh có thể khẳng định được vị trí là “một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản được xem là một hướng đi đúng đắn góp phần khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu địa phương. Đồng thời, giúp Quảng Ninh chuẩn bị tâm thế vững vàng, tự tin để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bàn giải pháp phát huy giá trị di sản

Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc thù mà bản chất là tập trung vào việc sử dụng, khai thác các tài sản văn hóa, lịch sử và tự nhiên để tạo ra giá trị kinh tế. Điều này bao gồm các hoạt động như bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch di sản và sử dụng các tài nguyên di sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cộng đồng. Kinh tế di sản không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ và gìn giữ di sản mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh, việc làm từ các hoạt động liên quan đến di sản.

35.jpg
Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa và lịch sử để nâng cao trải nghiệm của du khách.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản. Nhưng đây là một lĩnh vực mới, nên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được thảo luận. Từ việc nhận thức về kinh tế di sản, đánh giá tiềm năng kinh tế di sản, thực trạng phát triển kinh tế di sản hay định hướng phát triển kinh tế di sản ở tỉnh Quảng Ninh đều là những vấn đề cần được nghiên cứu sâu để hoạch định các chủ trương, chính sách thích hợp phục vụ cho phát triển kinh tế di sản địa phương, để không những được bảo vệ tốt, mà còn làm giàu thêm các giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay.

Nhằm góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, đồng thời, trên cơ sở đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh để đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển nguồn lực này trong thời gian tới.

Mới đây, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh”. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đã tham gia nhiều giải pháp, kiến nghị tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung tiếp tục phát triển hiệu quả kinh tế di sản.

Theo TS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để phát triển kinh tế di sản cần tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản văn hóa theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước cấp trung ương với chính quyền địa phương. Hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chế nội dung liên quan đến kinh tế di sản. Sáng tạo các sản phẩm dịch vụ văn hóa mang tích đặc trưng và bản sắc văn hóa, địa phương, vùng miền trong xã hội hiện đại. Đồng thời, gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch và kết nối vùng, các địa phương trong phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện kết cấu hạ tầng dịch vụ.

Ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, để vượt qua thách thức, tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra các định hướng phát triển bền vững và giải pháp chiến lược. Trong đó, tập trung bảo tồn di sản bền vững, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và quản lý du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử để nâng cao trải nghiệm của du khách. Đồng thời, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển các sản phẩm mới và đổi mới, nâng cao sản phẩm du lịch sẵn có. Cùng với đó, phát triển các loại hình du lịch sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Hải Ngân