Chiến lược "giữ khách" mới của các khách sạn siêu sang
Các chuỗi khách sạn siêu sang đang mở thêm các tour du lịch bằng chuyên cơ hay du thuyền để cho các khách xa xỉ không ra khỏi “vòng tay” của thương hiệu.
Du khách muốn được vừa trải nghiệm dịch vụ lưu trú đẳng cấp như khách sạn, vừa tận hưởng chuyến đi bằng du thuyền hoặc phi cơ riêng, thì chẳng cần đi đâu xa vì các thương hiệu khách sạn siêu sang đã, và đang nhiệt tình cung cấp các dịch vụ này.
Trong vài năm qua, những cái tên sừng sỏ trong ngành nhà hàng - khách sạn như Ritz-Carlton, Aman hay Four Season đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh, cung cấp thêm các hành trình tham quan khám phá bằng đường biển hoặc đường không nhằm giữ chân những khách hàng túi tiền rủng rỉnh.
Four Seasons và Aman tạo nên mạng lưới tour khép kín
Đây là hai cái tên có các hạng mục kinh doanh trải dài trên nhiều lĩnh vực, bao gồm khách sạn, căn hộ, bán lẻ và các trải nghiệm du lịch bằng chuyên cơ riêng.
Tour chuyên cơ riêng của chuỗi khách sạn Four Seasons bắt đầu với chiếc Airbus A321Lneo 48 chỗ ngồi. Trong khi đó thương hiệu khách sạn Aman cũng chính thức ra mắt dịch vụ này bằng các máy bay sang trọng 19 buồng lounge. Loại máy bay thường dùng là ACJ319.
Tour du lịch bằng chuyên cơ riêng thường là hành trình đi qua nhiều quốc gia và nghỉ đêm tại các khách sạn - resort thuộc cùng thương hiệu. Do đó không khó hiểu khi nhiều khách hàng trung thành của Four Seasons và Aman yêu thích loại hình này.
Ông Alejandro Reynal, Chủ tịch kiêm CEO Four Seasons, chia sẻ rằng mảng khách sạn - resort chiếm khoảng 80% doanh thu của thương hiệu. Trong khi đó, các hoạt động như tour bằng chuyên cơ riêng hoặc du thuyền dù không đóng góp nhiều doanh thu, nhưng nó tạo nên “hiệu ứng hào quang” (halo effect), giúp thương hiệu mở rộng và củng cố mảng kinh doanh cốt lõi, đồng thời duy trì mối quan hệ thân thiết với khách hàng.
Ông Ben Trodd, COO của Aman, cũng đặt nhiều kỳ vọng vào loại hình tour bằng chuyên cơ riêng. Ông cho biết gần như mọi hành khách từng trải nghiệm các chuyến đi kiểu này đều sẽ yêu thích và quay lại lưu trú tại các khách sạn - resort nơi họ từng ở.
Trong năm 2024, Four Seasons tổ chức 8 tour chuyên cơ riêng và đa phần đều cháy vé. Trong năm 2025 họ dự kiến xem xét một số lộ trình bổ sung.
Tuy đạt nhiều thành công ổn định, thế nhưng cả Four Season lẫn Aman không tất tay vào chuyên cơ riêng. Thay vào đó, họ tập trung nguồn lực nghiên cứu và phát triển thêm các tour bằng du thuyền.
Ritz-Carlton dẫn đầu xu hướng chuyển đổi từ khách sạn sang du thuyền
Du thuyền đang là miếng bánh béo bở hiện nay. Minh chứng là trong năm 2024, các ông lớn trong ngành như Carnival hoặc Norwegian ghi nhận doanh thu và lượng đặt chỗ kỷ lục.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, hàng loạt thương hiệu khách sạn cao cấp công bố dịch vụ du thuyền, thường dưới hình thức tour du thuyền hạng sang, như Ritz-Carlton năm 2017, Aman năm 2021 và Four Seasons năm 2022. Trong đó Ritz-Carlton là cái tên dẫn đầu.
Điểm khác biệt thường thấy giữa du thuyền của các thương hiệu khách sạn hạng sang và thương hiệu du thuyền đại chúng là kích thước. Ví dụ du thuyền Evrima, thuộc bộ sưu tập Ritz-Carlton Yacht Collection, ra mắt năm 2022 với 149 cabin, dài khoảng 190 mét, nhỏ hơn rất nhiều so với các du thuyền dài hơn 600 mét của Royal Caribbean.
Mặc dù nhỏ hơn, nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Năm 2022, thời điểm mới ra mắt, du thuyền Evrima gần như kín chỗ quanh năm. Nhiều ý kiến cho rằng chính Ritz-Carlton Yacht Collection đã giúp nâng tầm thương hiệu Ritz-Carlton. Trên đà chiến thắng, Ritz-Carlton dự kiến sẽ đưa vào hoạt động du thuyền thứ ba năm 2025.
Trong khi đó, đến năm 2026, Four Seasons dự kiến đưa vào vận hành du thuyền 95 cabin, được ví von như một “resort trên biển”. Reynal khẳng định lượt đặt chỗ rất khả quan, trong đó hơn 60% là khách hàng thân thiết.
Về phần mình, Aman hiện đang cung cấp các tour du lịch trên biển bằng một chiếc du thuyền hạng sang với 5 cabin. Dự kiến đến năm 2027, Aman sẽ cho ra mắt du thuyền mới với chiều dài gần 190 mét và số lượng cabin gấp 10 lần hiện tại.
Ông Jackie Roth, quản lý du lịch của Scott Dunn Private, nhận định rằng với những thương hiệu tên tuổi như Four Seasons, khi họ đi đến đâu và ra mắt dịch vụ nào mới, khách hàng sẽ luôn đi theo và mong muốn trải nghiệm dịch vụ ấy.
Ý kiến này cũng tương đồng với Trodd. Ông nhận định rằng khách hàng chọn dịch vụ của Aman, trước hết vì đó là Aman, sau mới đến các yếu tố như điểm đến hoặc loại hình dịch vụ.
Những thách thức tiềm ẩn
Ông Patrick Scholes, nhà phân tích tại Truist Securities, nhận xét rằng dù là ngách, thế nhưng mảng du thuyền vẫn rất cạnh tranh. Không chỉ vậy, vận hành một du thuyền trên biển phức tạp hơn nhiều so với một khách sạn đất liền. Hơn thế nữa, không phải du khách giàu có nào cũng thích du thuyền, đặc biệt nếu họ từng có trải nghiệm không tốt trên các du thuyền phổ thông đông đúc.
Để vượt qua thách thức này, điều mà Four Seasons và Aman cần làm là tạo ra trải nghiệm siêu sang.
May mắn thay, đây là chuyện mà hai cái tên này có thể làm rất tốt.
Du thuyền của Four Seasons không giống các du thuyền thông thường. Nó bóng bẩy và sang trọng hơn. Trên du thuyền dự kiến có 11 nhà hàng cao cấp, các cabin rộng gần 950 m2 và nhân viên phục vụ riêng.
Về phía Aman, họ vẫn chưa tiết lộ nhiều về du thuyền của mình. Nhưng những hình ảnh thiết kế cho thấy du thuyền Aman mang nét sang trọng đặc trưng. Trodd khẳng định du thuyền sẽ đem đến sự riêng tư, không gian rộng rãi và trải nghiệm giúp du khách chữa lành.
Nếu những du thuyền, chuyên cơ của Four Seasons và Aman vận hành thành công và đảm bảo chất lượng như cam kết, thì người hạnh phúc nhất là khách hàng. Bởi vì họ sẽ không cần tìm đến các hãng hàng không hay hãng du thuyền truyền thống nữa, mà chỉ cần trung thành với thương hiệu khách sạn yêu thích của mình.