Quảng Nam: doanh nghiệp bất động sản đề xuất giãn tiến độ nộp thuế
Để các dự án được hoàn thiện, các doanh nghiệp bất động sản tại Quảng Nam kiến nghị địa phương giãn tiến độ nộp thuế để tiếp tục thi công.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bất động sản. Nhiều vướng mắc pháp lý từng bước được tháo gỡ, tuy nhiên vấn đề nguồn vốn lại đang khiến nhiều chủ đầu tư “đau đầu”.
Cụ thể, mới đây Công ty CP Đầu tư và Thương mại 591 – chủ đầu tư dự án Khu dân cư phố chợ Đông Phú cho hay dự án đã chậm tiến độ và được UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục gia hạn. Theo phía doanh nghiệp, nguyên nhân chậm tiến độ là UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 thay đổi về điều kiện tái định cư, giá bồi thường dẫn đến việc không đồng thuận của một số hộ dân.
Ngày 25/10/2024, UBND tỉnh Quảng Nam mới ban hành Quyết định số 31/2024/QĐ-UBND quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nên việc giải phóng mặt bằng dự án gặp rất nhiều khó khăn. Từ những khó khăn trên, phía doanh nghiệp đề xuất phân kỳ dự án theo Quyết định giao đất đã thực hiện hoàn thành 100% hạ tầng (83% của dự án) và giãn tiến độ nộp thuế sang năm 2025.
“Đồng thời, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương ứng với số tiền sử dụng đất Công ty đã nộp để có tài sản đảm bảo vay vốn từ các tổ chức tín dụng, từ đó có nguồn tài chính thực hiện các nghĩa vụ thuế và thực hiện phần còn lại của dự án”, phía doanh nghiệp kiến nghị.
Ngoài khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, nhiều chủ đầu tư tại Quảng Nam cũng gặp khó trong hoạt động ký quỹ cho dự án. Cụ thể, một số dự án hiện nay chưa được gia hạn tiến độ là do vướng mắc về nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án.
Tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo giải quyết khó khăn trong vấn đề này, tuy nhiên Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam kiến nghị cần làm rõ hơn căn cứ quy định pháp luật, cũng như phân loại dự án để hoàn thành nghĩa vụ ký quỹ trước khi thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo như hướng dẫn của UBND tỉnh.
Trong đó là các dự án đang đề xuất điều chỉnh (mục tiêu, quy mô, tiến độ) cần thực hiện thủ tục điều chỉnh trước (đảm bảo các thông tin về mục tiêu, tiến độ, phân kỳ đầu tư, vốn đầu tư được rõ ràng) sau đó tiến hành thủ tục ký thỏa thuận ký quỹ điều chỉnh. Thời hạn ký quỹ bảo lãnh là sau khi được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và trước giao đất đối với dự án đầu tư nhiều giai đoạn, việc nộp và hoàn trả số tiền ký quỹ hoặc nộp, điều chỉnh, chấm dứt bảo lãnh được áp dụng theo từng giai đoạn thực hiện dự án .
Hiệp hội cũng đề xuất phương án trường hợp dự án chưa được giao đất, chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan, thời hạn thực hiện ký quỹ bảo lãnh trước khi ban hành quyết định giao đất. Còn lại, trường hợp dự án đã giao đất một phần và đã thi công trên phạm vi được giao (đã ứng tiền GPMB lớn hơn nghĩa vụ ký quỹ, có GPXD) nhưng chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan phải thực hiện ký quỹ bằng tiền, thời hạn thực hiện trước thời điểm ban hành quyết định giao đất phần còn lại và được giảm 50% số tiền tương ứng với mức ký quỹ theo Khoản 2 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay các vướng mắc liên quan đến chính sách pháp lý nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh nhanh chóng hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến, đồng thời cam kết cao độ về thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
“UBND tỉnh cần giao đơn vị giám sát lập danh mục các dự án gặp vướng mắc theo từng nhóm dự án đã được phân loại theo các Kế hoạch tháo gỡ, theo dõi tiến độ tháo gỡ đối với từng dự án tại từng Sở, ngành, địa phương liên quan. Báo cáo UBND tỉnh, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh để có biện pháp tháo gỡ, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương hoàn thành trách nhiệm theo nhiệm vụ được giao”, ông Bảo kiến nghị.