Phân tích - Bình luận

"Nóng bỏng" cuộc đua kinh tế không gian

Trương Khắc Trà 23/12/2024 04:01

Internet vệ tinh không chỉ là "miếng bánh" kinh tế không gian trị giá hàng chục tỷ đô la Mỹ, đằng sau đó là những vấn đề hệ trọng hơn.

Mạng vệ tinh internet của Starlink (Ảnh New Atlas)
Mạng vệ tinh internet của Starlink (Ảnh New Atlas)

Quy mô thị trường internet vệ tinh toàn cầu đến năm 2030 có thể đạt 20 tỷ đô la Mỹ, sẽ mở rộng với tốc độ CAGR là 11,6% mỗi năm. Nhưng hiện tại các đại gia công nghệ khắp thế giới đang đầu tư gấp hàng trăm lần như thế. Vậy mục đích cuối cùng là gì?

Starlink của SpaceX, thuộc hệ sinh thái công nghệ của tỷ phú Elon Musk hiện có gần 7.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo và phục vụ khoảng 5 triệu khách hàng tại hơn 100 quốc gia. Dịch vụ này nhằm mục đích cung cấp internet tốc độ cao cho khách hàng ở những vùng xa xôi và chưa được phục vụ đầy đủ.

SpaceX hy vọng sẽ mở rộng chòm sao vệ tinh của mình lên tới 42.000 vệ tinh. Starlink thực sự đã chứng minh rằng họ có thể mang quyền truy cập internet đến với các cá nhân và công dân ở những vùng xa xôi và cung cấp khả năng truy cập internet và bất kỳ trang web, bất kỳ ứng dụng nào họ muốn

Nhưng "cuộc chơi" kinh tế không gian ngày càng xuất hiện nhiều đối thủ sừng sỏ đến từ châu Á, châu Âu. Trung Quốc đang hướng tới quy mô khoảng 38.000 vệ tinh trên ba dự án internet quỹ đạo Trái đất thấp của mình, được gọi là Qianfan, Guo Wang và Honghu-3.

Eutelsat OneWeb có trụ sở tại châu Âu cũng đã phóng hơn 630 vệ tinh internet quỹ đạo Trái đất thấp. Amazon cũng có kế hoạch cho một chòm vệ tinh internet quy mô lớn, hiện được gọi là Dự án Kuiper, bao gồm hơn 3.000 vệ tinh.

Trung Quốc đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong không gian (Ảnh FT)
Trung Quốc đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong không gian (Ảnh FT)

Trung Quốc từ lâu đã xây dựng riêng cho mình hệ thống thông tin không gian mạng riêng biệt. Nếu phương Tây có Google, Facebook, Youtobe thì Trung Quốc có Baidu, Weibo, TikTok không hề kém cạnh. Mạng internet vệ tinh cũng nhằm mục đích đối trọng, thay thế và kiểm soát.

Các chuyên gia cho biết mặc dù các chòm sao của Trung Quốc sẽ không phải là nhà cung cấp internet được lựa chọn cho những nơi như Mỹ, Tây Âu, Canada, nhưng nó vẫn có thị trường riêng biệt ở Nga và Trung Đông, Châu Phi. Ví dụ, Huawei đã xây dựng 70% cơ sở hạ tầng 4G ở “lục địa đen”.

Đặc biệt tại Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc rất có tầm ảnh hưởng để khai thác thị trường internet còn rất nhiều khoảng trống. Theo báo cáo của Kearney với tỷ lệ thâm nhập 5G tại khu vực vẫn thấp hơn so với các nước phát triển vào khoảng 4% hoặc 5%.

Bên cạnh việc là một công cụ để gây ảnh hưởng địa chính trị - kinh tế, việc sở hữu một chòm sao internet vệ tinh độc quyền ngày càng trở thành một nhu cầu an ninh quốc gia, đặc biệt là khi cơ sở hạ tầng internet mặt đất dễ bị tê liệt khi có xung đột vũ trang.

Steve Feldstein, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng: “Việc sở hữu vũ khí dựa trên vệ tinh được coi là một lợi thế quân sự quan trọng. Vì vậy, tôi nghĩ Trung Quốc nhìn thấy tất cả những điều đó , nên việc đầu tư vào lĩnh vực này chủ yếu phục vụ an ninh quốc gia”.

Trương Khắc Trà