Chính sách - Quy hoạch

Nguy cơ chậm tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Phương Uyên 23/12/2024 03:11

Hiện 63/63 tỉnh, thành phố đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có 300/705 huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.

Thông tin từ Cục Đăng ký dữ liệu và thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến 20/12, trong 705 huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đã có 455 hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với 46 triệu thửa đất.

Bản sao img_2982-enternews-1629464819-1659626357
Cả nước hiện còn 405 huyện chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu giá đất. Ảnh: LV

Toàn bộ các huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai. 325 huyện hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và 300 huyện xong cơ sở dữ liệu giá đất.

Như vậy cả nước hiện còn 405 huyện chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu giá đất và 380 huyện đang xây dựng dữ liệu quy hoạch sử dụng đất. Vì thế, Cục Đăng ký dữ liệu và thông tin đất đai đề nghị UBND các địa phương có giải pháp, hoàn thành hệ thống để kết nối, tích hợp với dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2025.

Trước đó, từ tháng 4/2021, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất. Đầu tháng 2, Chính phủ giao các bộ ngành sớm ban hành kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Ngày 31/7/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 09/2024/TT-BTNMT quy định về nội dung, cấu trúc, kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

Theo đó, thành phần cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật Đất đai được thiết kế theo mô hình dữ liệu gồm: dữ liệu không gian đất đai, dữ liệu thuộc tính đất đai, dữ liệu đất đai phi cấu trúc và siêu dữ liệu đất đai.

Trong đó, dữ liệu thuộc tính giá đất gồm: dữ liệu về quyết định giá đất; dữ liệu về bảng giá đất; dữ liệu về giá thửa đất; dữ liệu về thửa đất chuẩn; dữ liệu về thửa đất cụ thể. Dữ liệu thuộc tính thống kê, kiểm kê đất đai gồm: nhóm dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai cả nước, vùng kinh tế - xã hội; nhóm dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai cấp tỉnh; nhóm dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai cấp huyện; nhóm dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai cấp xã; nhóm dữ liệu kiểm kê đất đai chuyên đề.

Ông Võ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ là do các địa phương chưa chủ động và quyết liệt trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao; nhiều nơi chưa ý thức được vai trò tích cực và hữu hiệu của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đối với công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

img_6795.jpg
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Ảnh: LV

Để đảm bảo đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác, ông Tuấn Anh cho rằng cần triển khai đồng loạt việc hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Triển khai đồng thời giữa việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai với việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở cả Trung ương và địa phương.

Tăng cường cử Đoàn công tác đến các địa phương để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương.

Các địa phương cũng cần tăng đào tạo chuyên môn cho cán bộ và tập trung nguồn lực để đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai ở địa phương với quốc gia trong năm tới để phục vụ người dân.

Phương Uyên