Thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Yêu cầu thay đổi quan niệm về chất lượng, môi trường sống tại nhà ở xã hội, Thủ tướng yêu cầu các dự án bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công dự án nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới cách làm, cắt giảm thủ tục, xóa bỏ xin cho, triển khai nhanh việc chuẩn bị, triển khai các dự án nhà ở xã hội theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Các địa phương tiếp tục quy hoạch đất đai, bàn giao sớm mặt bằng cho các nhà đầu tư. Các bên cùng tham gia triển khai các dự án nhà ở xã hội theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự hào; tuyệt đối không được lợi dụng chính sách nhà ở xã hội để trục lợi, không làm méo mó chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta về phát triển nhà ở xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi quan niệm về chất lượng và môi trường sống của nhà ở xã hội. "Nhà ở xã hội không có nghĩa là xập xệ, không có nghĩa là chỗ nào không làm nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, có sự hỗ trợ của ngân hàng về vốn và hỗ trợ của các chủ thể khác. Với các hình thức thuê, mua và thuê mua, nhà ở xã hội phải bảo đảm chất lượng, xanh, sạch, đẹp, đầy đủ hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hạ tầng xã hội thiết yếu…", Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện các chính sách phải hỗ trợ cho người mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, đặc biệt các chính sách phải trong 5-10 năm chứ không chỉ 2 năm.
Nhà ở xã hội vừa thiếu vừa "ế"
Thực tế, cho đến nay việc phát triển nhà ở xã hội không còn là mục tiêu đơn lẻ, nhiệm vụ độc lập của cơ quan nào, mà đã là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, năm 2024, Chính phủ giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, tại báo cáo tổng kết công tác năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết cả nước không hoàn thành chỉ tiêu trên, chỉ đạt 21.000 căn nhà ở xã hội , tương ứng hơn 16% kế hoạch.
Có thể thấy, chênh lệch về nhu cầu và nguồn cung nhà ở xã hội vẫn rất lớn. Thế nhưng trong bối cảnh thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội tại nhiều địa phương vẫn xuất hiện tình trạng "ế".
Đơn cử hồi đầu năm, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết dù triển khai đầu tư xây dựng hàng chục ngàn căn nhà ở công nhân nhưng dường như công nhân làm việc trên địa bàn tỉnh lại không mặn mà. Theo đó, có 7 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành hoặc hoàn thành một phần tại Bắc Ninh, cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ hoàn thiện nhưng số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đăng ký mua nhà rất ít.
Hay tại TP HCM, một dự án nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức chuyên đầu tư cho công nhân thuê thời gian 43 năm với khoảng 1.000 căn hộ, giá cho thuê trung bình một căn hộ rộng 88 m2 khoảng 1,7 tỉ đồng. Tính bình quân mỗi năm khoảng 39 triệu đồng, mỗi tháng khoảng 3,3 triệu đồng. Thế nhưng đối tượng được thuê vẫn không mặn mà.
Thay đổi tư duy làm nhà ở xã hội
Là doanh nghiệp trực tiếp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, xác nhận khi doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, đối tượng được duyệt mua, thuê mua chỉ là công nhân làm trong khu công nghiệp, các đối tượng khác không được mua, thuê mua. Điều này hạn chế nhu cầu với phân khúc này vì nhà giá cao công nhân muốn mua thì không đủ tiền, còn người đủ tiền, đủ điều kiện thì không được mua.
Một dạng nhà ở xã hội ế thứ hai theo ông Nghĩa là ở một số tỉnh dù theo thống kê nhu cầu nhà ở xã hội lớn nhưng người dân thích ở nhà đất, không muốn ở chung cư. Còn TP HCM hay các TP trực thuộc T.Ư nhu cầu lớn nhưng dự án khởi công rất ít. Từ đó dẫn đến nghịch lý, những nơi cần thì không có nhà, còn nơi ít nhu cầu lại xây rất nhiều và kết quả là nhà ở xã hội ế ẩm cục bộ.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng vừa thiếu vừa ế còn đến từ việc lâu nay nhà ở xã hội thường được “mặc định” là những khu nhà dành cho người nghèo, ít tiền. Chính vì thế mà các dịch vụ liên quan đến nhà ở xã hội rất thiếu thốn, lại quá xa khu vực trung tâm, đi lại rất bất tiện. Vì thế mà đã từng có những khu nhà ở xã hội “ế”.
Về vấn đề này, đại diện Vingroup đã đề xuất tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội không chỉ là nhà ở cho người nghèo mà là nhà ở cho người chưa giàu và cho công dân bình thường. Nhà ở xã hội cũng phải có chỗ để xe, vui chơi cho trẻ con, tiện ích cho người già...
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần G - Home (đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội), để nâng cao chất lượng nhà ở xã hội cần phải thay đổi ngay từ tư duy.
“Pháp luật của chúng ta không có quy định nào riêng là chất lượng của nhà ở xã hội phải thấp hơn nhà ở thương mại cả. Tất cả đều tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Ở đây trên quan điểm là người đi làm trực tiếp, tôi thấy là làm nhà ở xã hội các Sở Xây dựng họ đến nghiệm thu còn khó hơn nhà ở thương mại”, ông Nam nêu ý kiến.
Để những căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân luôn hoạt động trơn tru, không xảy ra sự cố, theo ông Nam, việc bảo trì công trình cần được đầu tư, chú ý.