Du lịch

Tập trung khai thác 5 thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa

Minh Châu 23/12/2024 01:33

Gắn du lịch văn hóa với tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tôn vinh các giá trị con người, đất nước Việt Nam.

Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh, sau thời gian triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành CNVH Việt Nam đã có sự phát triển nhất định. Đảng và Nhà nước tiếp tục nhìn nhận, đánh giá cao về vai trò của các ngành CNVH, trong đó để đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi các ngành CNVH phải có sự đồng bộ về chủ trương, thể chế, nguồn lực, tranh thủ thời cơ.

Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở nhận thức kết quả kế thừa của chiến lược cũ, xây dựng chiến lược mới đáp ứng thực tế phát triển phong phú của xã hội, thúc đẩy sự phát triển ngành CNVH với quy mô và tầm cao mới, thể hiện tầm nhìn sâu rộng hơn nữa, khẳng định được vị trí, vai trò của các ngành CNVH Việt Nam.

20.12_nang_tam_phat_trien_cnvh.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong.

Thứ trưởng cho biết dự thảo gồm 5 quan điểm, 7 mục tiêu chung, 10 mục tiêu cụ thể, 6 định hướng phát triển, 5 ngành CNVH trọng tâm gắn với các giải pháp phát triển, tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn. Chiến lược cần phải hướng đến nâng cao nhận thức xã hội, tháo gỡ khó khăn, huy động tối đa nguồn lực cho sự phát triển. Ngoài ra xác định một số ngành CNVH trọng điểm để có cơ chế cụ thể, nguồn lực nhất định phát triển theo hướng trọng tâm, tiềm năng, thế mạnh.

Theo dự thảo, 5 ngành CNVH trọng tâm phát triển là Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Quảng cáo, Phần mềm và trò chơi giải trí, Du lịch văn hóa. Lấy ví dụ về nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Hồ An Phong nhắc đến hai chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” được tổ chức tại các tỉnh, thành phố vừa qua đã thu hút hàng chục nghìn khán giả. Đây chính là những sản phẩm cụ thể, thực tế được đưa vào thị trường, từ đó nhân dân được hưởng thụ các giá trị về văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hiện đại, qua đó đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển CNVH và kinh tế - xã hội.

Đối với ngành Du lịch văn hóa được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, riêng biệt, cá biệt hóa trải nghiệm của du khách, nhằm kết nối với các ngành CNVH khác, tăng trải nghiệm cho du khách. Thông qua ẩm thực, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của các vùng, miền, địa phương tôn vinh sự độc đáo, đặc sắc của văn hóa bản địa trong các sản phẩm du lịch văn hóa. Gắn du lịch văn hóa với tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tôn vinh các giá trị con người, đất nước Việt Nam.

anh-trai-vuot-nganch.jpeg
Show âm nhạc Anh trai vượt ngàn chông xác nhận doanh thu của chương trình là hơn 340 tỷ đồng.

Chia sẻ ý kiến về nội dung này, PGS - TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, không chỉ du lịch âm nhạc như show âm nhạc "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai" đang phát triển mạnh mẽ mà các loại hình như điện ảnh, ẩm thực, thể thao,... cũng được du khách đặc biệt yêu thích.

"Đây là những sản phẩm du lịch khiến tôi gợi nhớ đến chiến lược quảng bá 5F của Thái Lan, bao gồm: Food (Ẩm thực), Festival (Lễ hội), Fashion (Thời trang), Film (Phim ảnh), Fight (Võ thuật - Thể thao). Việt Nam hoàn toàn có thể tập trung và đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch mới mẻ và phù hợp với nhiều sở thích, độ tuổi của du khách" - ông Long phân tích.

Ví dụ, không chỉ âm nhạc mà Việt Nam hiện nay nhiều địa phương và điểm đến cũng đang tổ chức và thành công với nhiều giải chạy định kỳ "Race-cation” - hình thức hoạt động du lịch kết hợp tham gia giải chạy bộ.

Ngoài giải chạy marathon, các hoạt động liên quan đến loại hình du lịch thể thao được du khách Việt Nam yêu thích còn phải kể đến leo núi, đạp xe, đạp xe đạp, trekking, chèo thuyền kayak, leo núi, golf…

PGS - TS. Phạm Hồng Long đánh giá, ngành du lịch các địa phương cần sự phối hợp nhịp nhàng, các hoạt động âm nhạc, thể thao, ẩm thực,... sẽ là đòn bẩy phát triển các loại hình du lịch. Nguồn khách đã có sẵn, vấn đề là tổ chức, liên kết tour của doanh nghiệp lữ hành cần triển khai ra sao để có thể tăng trải nghiệm tốt cho du khách, qua đó mở rộng nguồn thu cho địa phương, cho doanh nghiệp.

Minh Châu