Doanh nghiệp

Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: VACC kiến nghị cơ chế đặc thù ưu tiên doanh nghiệp nội

Thy Hằng 23/12/2024 07:47

Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm triển khai hiệu quả dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Với đa số phiếu của ĐBQH biểu quyết thông qua.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam dự kiến sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.

Nghị quyết nêu rõ, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TPHCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1,7 triệu tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Tiến độ thực hiện, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035. Dự án được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Xác định đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, nhà thầu Việt, mới đây, trong văn bản kiến nghị Thủ tướng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, trong đó, phần xây dựng cơ bản chiếm khoảng 33 tỷ USD là cơ hội, cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam.

Do đó, VACC đề xuất 7 cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Cụ thể, VACC đề xuất, về phân chia các hợp phần dự án và quy mô gói thầu, đề nghị Thủ tướng cho phân tách riêng hợp phần xây dựng kết cấu hạ tầng với các hợp phần chuyên ngành khác (thông tin, tín hiệu; cấp điện; phương tiện đoàn tàu).

Quy mô các gói thầu trong hợp phần xây dựng nên giữ trong khoảng từ 1 tỷ tới 1,5 tỷ USD, đảm bảo năng lực tài chính của các nhà thầu tham gia đấu thầu. Nghiên cứu cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong dự án và áp dụng giảm giá 5%.

Về lựa chọn nhà thầu, theo VACC, đây là dự án đặc biệt lớn, sử dụng nguồn vốn trong nước, cần ưu tiên sử dụng các nhà thầu Việt Nam. Việc này đảm bảo tạo nguồn công việc trong nước, tăng tính chủ động, tính tự chủ, là cách tốt nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước để có thể thực hiện các dự án tương tự hoặc có thể tham gia đấu thầu các dự án quốc tế sau này.

Trên cơ sở đó, VACC kiến nghị tiêu chí lựa chọn năng lực kinh nghiệm nhà thầu trong nước là các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm, từng tham gia các dự án, công trình giao thông có cấp hạng (theo phân cấp công trình xây dựng quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BXD) tương đương với cấp hạng tuyến đường sắt tốc độ cao hoặc có cấp hạng được quy đổi từ tối thiểu 3 công trình ở cấp thấp hơn liền kề.

Mô hình nhà thầu cần khuyến khích liên danh giữa các nhà thầu trong nước hoặc trong và ngoài nước nhưng nhà thầu trong nước đóng vai trò là đứng đầu liên danh. Khuyến khích cộng điểm cho liên danh nhà thầu sử dụng nhà thầu trong nước với tỷ lệ công việc lớn hơn.

"Trường hợp các nhà thầu nước ngoài muốn tham gia thì phải liên danh với nhà thầu Việt Nam trong đó các nhà thầu Việt Nam phải đảm nhận ít nhất 50% khối lượng công việc. Quy định sử dụng lao động Việt Nam, ưu tiên lao động tại địa phương (tối thiểu 70%) cũng cần được xem xét", Chủ tịch VACC đề xuất.

Đối với tiêu chí tài chính, tạo thuận lợi cho nhà thầu trong nước, VACC kiến nghị xem xét, cho phép cộng năng lực tài chính của tất cả các nhà thầu trong liên danh và có thể giảm bớt yêu cầu về năng lực tài chính.

Bộ GTVT đề xuất số tiền thu được từ TOD địa phương được giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách Trung ương.
VACC đề xuất 7 cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Riêng với nhà thầu tư vấn, theo VACC, dự án sử dụng quy trình thiết kế FEED và đấu thầu nhà thầu EPC. Song, các nhà thầu Việt Nam thường có sự tách bạch thành nhà thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu xây dựng. Trong đấu thầu cần có sự liên danh liên kết giữa 2 nhóm nhà thầu này, bao gồm cả nhà thầu nước ngoài.

"Do lực lượng nhà thầu tư vấn ở nước ta còn mỏng, cấp có thẩm quyền cần cho phép các nhà thầu tư vấn tham gia các bước nghiên cứu khả thi, thiết kế FEED vẫn được tham gia trong liên danh tổng thầu EPC để đấu thầu nếu chứng minh được sự độc lập về pháp lý và tài chính với các thành viên nhà thầu xây lắp trong tổ hợp tổng thầu EPC hoặc cho phép nhà thầu EPC được lựa chọn tư vấn thiết kế sau khi trúng thầu", văn bản kiến nghị nêu.

Về tư vấn giám sát và các tiêu chuẩn kỹ thuật, đánh giá dự án có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt đòi hỏi độ chính xác lớn, hạn chế dung sai, VACC kiến nghị cần tăng cường công tác tư vấn giám sát. Mô hình tư vấn giám sát theo hình thức tư vấn nước ngoài liên danh với tư vấn trong nước để thực hiện dự án.

Trong quá trình thi công, giám sát thi công có yêu cầu phía nước ngoài chuyển giao công nghệ thi công cho nhà thầu Việt Nam.

Thy Hằng