Có nên xây dựng Luật Thương mại điện tử?
Mặc dù có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế số, tuy nhiên, trước những tồn tại về hàng giả, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,... liệu có cần Luật riêng về thương mại điện tử?
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), năm 2022, quy mô giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021. Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022 và cao gần gấp đôi so với năm 2019. Việt Nam hiện lọt nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới…
Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI 2024) của Vecom nêu rõ, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực TMĐT của Việt Nam năm 2023 đạt trên 25% so với năm 2022, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD, đóng góp khoảng 15-17% tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.
Mặc dù, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế số, tuy nhiên, lĩnh vực TMĐT được cho vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết, khi đây là “mảnh đất” màu mỡ đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ. Nhiều đối tượng còn lợi dụng TMĐT để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt là nguy cơ mất an toàn dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng ngày càng lớn; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát có xu hướng ngày càng tăng…
Những hành vi lừa đảo, gian lận trong kinh doanh TMĐT ngày càng tinh vi, khó lường, tác động tiêu cực tới người tiêu dùng, đồng thời gây thất thu thuế.
Thực tế cho thấy, kết quả thực hiện thu thuế TMĐT năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng; năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 đã thu được 50.000 tỷ đồng và đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, tức là các tập đoàn công nghệ nước ngoài, như: Facebook, Google, Microsoft, Tik Tok... thực hiện đăng ký và nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại xuyên biên giới; hiện nay đã nộp được 15,6 nghìn tỷ đồng thuế TMĐT, thế nhưng, theo các nhà quản lý vẫn còn thất thu trong lĩnh vực này.
Đáng nói, nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, Quốc hội đã ban hành nhiều bộ luật quan trọng, như: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Luật Viễn thông năm 2023, Luật An ninh mạng năm 2022… Bên cạnh đó, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 29/5/2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của thương nhân về các hoạt động kinh doanh buôn bán, bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít tồn tại, hạn chế trong công tác thực thi, quản lý, vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, cần xây dựng và ban hành pháp luật về TMĐT. Trong đó, cần hoàn thiện về chính sách, pháp luật về TMĐT, như: hoàn thiện hơn về các quy định công bố thông tin, chất lượng sản phẩm, trên website TMĐT; chú trọng đến trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp bảo vệ thông tin, quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 diễn ra chiều 23/12 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay, trong hoạt động TMĐT, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo vị này, văn bản pháp lý về TMĐT mặc dù đã có các quy định về việc rà soát, kiểm soát, xử lý các thông tin vi phạm nhưng hoạt động vi phạm trong không gian mạng diễn ra ngày một tinh vi, đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu cần có công cụ quản lý hiệu quả hơn.
Ngoài ra, mô hình TMĐT phát triển ngày càng phức tạp, đa dạng và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt. Đặc biệt, đối với hoạt động livestreams bán hàng, hiện đang là xu hướng phát triển nhanh của TMĐT nhưng các quy định pháp lý về TMĐT mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream (người chủ tài khoản, người tham gia livestream), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams.
Về kiểm soát TMĐT xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có các quy định ban đầu về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam nhưng các quy định chưa đủ mạnh và lan tỏa, dẫn đến việc nhiều nền tảng TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý chính thức.
Vì vậy, vị này cho hay, trong năm 2025, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thống nhất hệ thống pháp luật về TMĐT trong mối tương quan với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.