Cần chính sách rõ ràng hơn để phát triển công nghiệp quốc gia bền vững
Các chuyên gia đề xuất tầm nhìn mới và các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển công nghiệp quốc gia bền vững và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới.
Thực tế cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ cao đang có những tác động nhanh, sâu rộng trên mọi mặt của lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng với đó, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, trong đó có những điều kiện thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên thiên nhiên truyền thống, và các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và triển khai chính sách công nghiệp quốc gia hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn mang tính chiến lược lâu dài. Chính sách công nghiệp ngày nay không chỉ giúp định hướng và tạo động lực cho phát triển các ngành kinh tế riêng lẻ, mà còn phải tạo dựng động lực mới để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường mức độ và hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhận định khung pháp lý về chính sách công nghiệp tại Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, song ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam còn thiếu khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh để làm cơ sở thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp. Các chính sách phát triển đối với các ngành công nghiệp ưu tiên và công nghiệp mũi nhọn đang bị phân tán, thiếu trọng tâm, dẫn đến việc sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả.
Đồng thời, thiếu phối hợp giữa các địa phương đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Quản lý phát triển công nghiệp thông qua hệ thống pháp luật chuyên ngành, đặc biệt là các quy định về thuế, đầu tư và đất đai, lại bộc lộ nhiều bất cập. Chưa nâng cao năng lực cho doanh nghiệp công nghiệp trong bối cảnh thực thi cam kết của các FTA như về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật.
Từ thực trạng này, CIEM khuyến nghị tập trung vào việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước kết nối hiệu quả vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Các giải pháp như nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua rào cản hiện tại và dần đóng góp vào năng lực tự chủ của nền kinh tế, kể cả trong các ngành, lĩnh vực mới gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, CIEM cũng kiến nghị tăng cường liên kết thực chất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, từ đó hình thành hệ sinh thái công nghiệp bền vững, thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp hiện đại và bền vững.
Đồng tình về quan điểm cần có chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp rõ ràng hơn, song TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh, “liều lượng hỗ trợ”, cách thức và thời điểm nhà nước can thiệp vào thì cần xem xét, nghiên cứu.
"Cần có sự hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp đầu đàn của dân tộc, nhưng lại phải phù hợp với cam kết quốc tế và phòng tránh lợi ích nhóm", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ.
Xoay quanh vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải nhận định, chính sách lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển là trọng tâm của chinh sách công nghiệp, nên Chính phủ cần dành nguồn lực tối đa cho việc triển khai chính sách này.
“Những ngành được ưu tiên lựa chọn cần có những chính sách riêng nhằm hỗ trợ phát triển, như xây dựng nguồn nhân lực chuyên môn hóa, cơ sở hạ tầng hiện đại, khoa học và công nghệ phù hợp. Cần có các chính sách dành nguồn lực xây dựng hệ thống đổi mới dựa trên khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành được chọn để đảm bảo sự thành công. Hệ thống chính sách liên quan đến ngành được lựa chọn cần đa dạng và phải đồng bộ mới triển khai được. Các văn bản chưa ủng hộ hoặc ngược lại với việc phát triển ngành cần được điều chỉnh, sửa đổi nhằm thể hiện sự nhất quán trong thực hiện triển khai”, TS Nguyễn Thị Thu Huyền bày tỏ.