Bí quyết phát triển bền vững: Ứng dụng AI và xây dựng hệ sinh thái
AI và tinh thần đoàn kết là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp Việt tối ưu hóa năng lực, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ngày 23/12, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Bức tranh kinh tế - Xu thế toàn cầu, cơ hội Việt Nam". Sự kiện đã thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả nổi bật như ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận; ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT.
Buổi tọa đàm không chỉ là dịp nhìn lại bức tranh kinh tế toàn cầu và Việt Nam, mà còn là cơ hội để các doanh nhân trẻ cùng thảo luận và tìm kiếm chiến lược khai thác tiềm năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong phần chia sẻ của mình, ông Lê Trí Thông đã mang đến những nhận định sâu sắc về tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước. Theo ông, mặc dù năm 2023 chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ của sức mua, song các tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện. "Tăng trưởng tín dụng hiện có nhiều dư địa phát triển và đầu tư công đang là động lực quan trọng đẩy nền kinh tế tiến lên", ông Thông nhận định.
Ông cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng nhiều khó khăn sẽ dần lùi lại phía sau, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá trong năm 2025. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam đang mở ra những cơ hội lớn cho các ngành xuất nhập khẩu, logistics, công nghiệp, hạ tầng và bán lẻ.
Đặc biệt, ông Thông kỳ vọng rằng lĩnh vực bất động sản sẽ ấm dần lên nhờ những cải thiện trong thủ tục pháp lý, đồng thời nhấn mạnh vai trò của công nghệ và dịch vụ công nghệ trong việc tiếp tục tăng tốc phát triển, trở thành động lực chính của nền kinh tế bền vững. Những nhận định này không chỉ giúp định hình bức tranh kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn mà còn tạo ra niềm tin vào các ngành chủ chốt sẽ được hưởng lợi rõ ràng trong tương lai gần.
Từ góc độ công nghệ, ông Nguyễn Văn Khoa đã mang đến cái nhìn chiến lược về chuyển đổi số, một xu hướng đã trở thành yêu cầu sống còn đối với các doanh nghiệp. "Nếu không muốn tụt hậu, doanh nghiệp cần ngay lập tức tích hợp khoa học công nghệ vào chiến lược phát triển", ông Khoa khuyến nghị. Ông cũng nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hoạt động và tăng năng suất lao động. "Chúng ta không nên e ngại AI. Thay vào đó, cần học cách đặt ra đúng vấn đề để AI giải quyết", ông Khoa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Khoa cho rằng những chính sách mới về công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tích tụ và làm chủ công nghệ, từ đó tối ưu hóa khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Theo ông, chỉ khi làm chủ được công nghệ, doanh nghiệp mới có thể tận dụng tối đa cơ hội trong kỷ nguyên số. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận khi ông Lê Trí Thông cũng cho rằng AI là một "cuộc chơi đắt đỏ" và thành công chỉ đến khi doanh nghiệp biết cách đặt ra bài toán phù hợp. "Người đặt đầu bài không đúng sẽ không có lời giải đúng. Đây chính là câu chuyện của trí tuệ con người", ông Thông nhấn mạnh.
Ngoài những thảo luận về kinh tế và công nghệ, ông Nguyễn Văn Khoa còn kêu gọi sự đoàn kết và hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ. "Các doanh nghiệp cần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ nguồn lực và kiến thức để phát triển bền vững", ông nói. Sự đoàn kết này được ông xem là yếu tố then chốt để doanh nghiệp vượt qua thách thức, đặc biệt trong bối cảnh những thay đổi lớn về luật pháp và chính sách đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghệ cao.
Buổi tọa đàm đã mang đến những góc nhìn đa chiều về bức tranh kinh tế và các xu hướng toàn cầu. Những cơ hội và thách thức được nhận diện tại đây không chỉ là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp trẻ định hướng chiến lược phát triển mà còn là lời khẳng định rằng với sự hỗ trợ của công nghệ và tinh thần đoàn kết, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn tầm thế giới.