Động lực thúc đẩy Quảng Ngãi phát triển
Với nhiều hoạt động thiết thực, năm 2024, cùng với cải thiện môi trường kinh doanh, hoạt động xúc tiến đầu tư đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 102,3%, tăng 2,3% so với năm 2023. Giá trị sản xuất công nghiệp ước khoảng 157 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2023, vượt 15,2% kế hoạch. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp từ các sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt 51,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt gần 106 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 2,55 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu năm 2024 ước đạt 4,1 tỷ USD.
Nhiều kết quả quan trọng
Theo đó, trong năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cụ thể, tỉnh đã đẩy mạnh cắt giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng tham gia thị trường. Trước đây theo quy định, thời gian xử lý đăng ký doanh nghiệp từ khi thành lập mới, đăng ký thay đổi theo quy định là 3 ngày/hồ sơ, nay giảm xuống trung bình 1,5 ngày/hồ sơ.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia, thực hiện kết nối thông suốt thông tin về đăng ký doanh nghiệp, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho các tổ chức, cá nhân.
Cùng với hoạt động cản thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tích cực giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút đầu tư.
Từ những hoạt động thiết thực đã nêu, trong năm 2024, tỉnh đã thu hút 3 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 508 tỷ đồng (tương đương 20,61 triệu USD). Về đầu tư trong nước, tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư cho 5 dự án, với tổng vốn đăng ký 3.013 tỷ đồng. Có 555 doanh nghiệp mới được thành lập, dự kiến đến hết năm 2024, số doanh nghiệp mới thành lập sẽ đạt khoảng 720 doanh nghiệp.
Tiếp tục khơi thông động lực phát triển
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được cho vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các vướng mắc liên quan đến cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được giải quyết triệt để, nên việc huy động các nguồn lực phát triển, thu hút các dự án đầu tư mới và triển khai các dự án đầu tư còn gặp khó khăn. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng là rào cản trong việc thu hút đầu tư.
Thực tế thời gian qua, hạ tầng tại Khu kinh tế Dung Quất xuống cấp, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của một số Khu công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút đầu tư hoặc chưa thể điều chỉnh nâng công suất đối với dự án có phát sinh nước thải ở các Khu công nghiệp này.
Trước hiện trạng đã nêu, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
UBND tỉnh đã thống nhất triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông tại Khu kinh tế Dung Quất, với tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng các tuyến giao thông và hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, bảo đảm kết nối thông suốt Khu kinh tế Dung Quất và các khu vực xung quanh.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm; tăng cường xử lý, hỗ trợ và giải quyết kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân, nhất là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; các dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, Dung Quất II, Dung Quất III... Phát triển kinh tế biển đồng bộ cả về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, hạ tầng cảng biển, logistics.
Đồng thời, tỉnh cũng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Mục tiêu nhằm phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm dịch vụ cảng đầy đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và những năm tiếp theo.