Nghiên cứu - Trao đổi

Hoàn thiện pháp lý về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp

Yến Nhung 25/12/2024 04:00

Nhiều ý kiến góp ý nhằm hướng đến hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành làm đẹp.

Những năm gần đây, thị trường ngành làm đẹp tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nghề làm đẹp cũng tạo ra cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và được dự đoán là ngành nghề xu hướng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Mỗi năm nước ta lại có thêm khoảng 2.000 đơn vị kinh doanh spa, thẩm mỹ mở ra. Nhiều chuyên gia ngành làm đẹp cho rằng, thập kỷ tới là thời điểm vàng của ngành spa cũng như ngành chăm sóc sắc đẹp, dự báo mỗi năm sẽ có thêm 2.000 spa mở mới để đáp ứng nhu cầu của người dân, tương ứng với hàng chục nghìn vị trí đang thiếu.

nganh-cham-soc-sac-dep-la-gi_4.jpg
Những năm gần đây, thị trường ngành làm đẹp tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực - Ảnh: ITN

Đáng nói, các ngành nghề chăm sóc sắc đẹp không chỉ bao gồm các hoạt động như spa, chăm sóc da, làm tóc, học nối mi, nail mà còn hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa da liễu, răng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mỹ... Do đó, lĩnh vực này không chỉ có tính chất thẩm mỹ bề ngoài đơn thuần mà còn là về vấn đề sức khỏe, tính mạng của con người.

Thực tế cho thấy, thực trạng về các tai nạn rủi ro đối với các spa thẩm mỹ hiện nay còn khá phổ biến. Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hiện nay chịu sự quản lý của liên ngành, trong đó ngành y tế đóng vai trò chủ lực, trực tiếp quản lý về mặt chuyên môn, thẩm định các điều kiện khi hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế, các chính sách về quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở, thiếu thống nhất của các đơn vị liên quan. Điều này khiến các cơ sở làm đẹp trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với khách hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, pháp luật Việt Nam đã đặt ra những quy định, điều kiện nhất định đối với các doanh nghiệp, cơ sở hành nghề có liên quan để bảo đảm sức khỏe cộng đồng, an toàn, trật tự kinh doanh và phòng ngừa các hệ lụy tiềm ẩn. Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực làm đẹp của một số doanh nghiệp, cơ sở hành nghề làm đẹp vẫn còn hạn chế. Từ đó dẫn đến hậu quả pháp lý bất lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở hành nghề như xử phạt hành chính, buộc ngừng hoạt động, thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự.

“Do đó, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2024 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, việc hoàn thiện các quy định pháp luật đối với ngành nghề chăm sóc sắc đẹp là cần thiết”, TS Lê Vệ Quốc nhấn mạnh.

hnm.1cdn.vn-2022-03-27-_hanoimoi.com.vn-uploads-images-trungtruc-2022-03-27-_tham-my3-1-.jpg
Nhiều ý kiến góp ý nhằm hướng đến hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành làm đẹp - Ảnh: ITN

Cũng quan tâm đến vấn đề nêu trên, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, những vi phạm phổ biến hiện nay trong hoạt động hệ thống cơ sở chăm sóc sắc đẹp là cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, mà không có giấy phép hoạt động; cung cấp dịch vụ vượt quá phạm vi chuyên môn được phép; không đảm bảo các điều kiện hoạt động; sử dụng người không có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người không đủ điều kiện hành nghề…

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, bên cạnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động còn tồn tại rất nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui”, hoạt động không đúng các quy định hiện hành, "núp bóng" dưới các hình thức cơ sở làm đẹp, chăm sóc da, tóc, thẩm mỹ viện, spa... Nhân lực thực hiện các hoạt động thẩm mỹ chưa được đào tạo bài bản, thậm chí có những người không được đào tạo chuyên môn theo đúng pháp luật. Đáng chú ý, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chưa nghiêm túc thực hiện các quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý, thậm chí có nhiều trường hợp khi đoàn thanh tra, kiểm tra của ngành y tế đến làm việc thì đóng cửa không tiếp.

“Do đó, thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, tổng hợp, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho cơ quan quản lý và người dân, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát…”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị.

Yến Nhung