Giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Trong năm 2024, cả nước chỉ hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội, thực hiện 16% kế hoạch đề ra.
Năm 2024, việc hoàn thành các dự án nhà ở xã hội không đạt được mục tiêu đề ra trong đề án. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án phần lớn đã được triển khai trong giai đoạn trước theo chính sách cũ về phát triển nhà ở xã hội (Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP).
Các quy định mới tại Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP mới chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nên việc áp dụng trên thực tế đòi hỏi thời gian nhất định.
Ngoài ra, một số cơ chế thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội quy định trong Luật Thủ đô phải đến ngày 1/1/2025 mới có hiệu lực. Do đó, ngay cả sang năm 2025, nhiều khả năng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, từ cuối năm 2025 số lượng nhà ở xã hội mới có thể tăng khi các chính sách hỗ trợ đã đi vào thực tiễn, giúp thúc đẩy sự phát triển phân khúc này một cách đồng bộ hơn.
Cần thời gian để điều chỉnh
Ở thời điểm hiện tại, dù chính sách phát triển nhà ở xã hội đã có những thay đổi lớn, song việc tiếp cận quỹ đất và nguồn vốn của địa phương vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể cũng như cần thêm thời gian để điều chỉnh.
Về quỹ đất, Luật Nhà ở 2023 yêu cầu địa phương phải bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo kế hoạch phát triển nhà ở. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương vẫn đang trông cậy vào quỹ đất 20% bắt buộc trong các quỹ đất phát triển nhà ở thương mại, thay vì phát triển độc lập quỹ đất riêng. Việc tạo lập quỹ đất riêng cần có lộ trình và không thể giải quyết ngay khi luật vừa có hiệu lực.
Về nguồn vốn, hiện cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội đều phụ thuộc vào gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, song đây không phải gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà dựa trên nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Mức lãi suất cho vay cũng chỉ thấp hơn khoảng 1,5 – 2%/năm so với lãi suất vay thông thường, chưa thực sự trợ lực cho chủ đầu tư và người mua. Khi kết hợp với biên lợi nhuận mỏng (không quá 10% tổng mức đầu tư) và thủ tục pháp lý còn nhiều phức tạp, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này càng trở nên khó khăn.
Ba giải pháp chính
Đầu tiên là phát triển quỹ đất độc lập cho nhà ở xã hội tại các địa phương. Các địa phương cần chủ động xây dựng và dành quỹ đất sạch để phát triển nhà ở xã hội, thay vì chỉ trông cậy vào 20% quỹ đất từ các dự án nhà ở thương mại. Việc có quỹ đất sạch sẽ là tiền đề giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ khởi công và hoàn thiện dự án.
Thứ hai là bổ sung nguồn vốn dành cho nhà ở xã hội, đây là một trong những yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy sự thành công của đề án. Để nguồn vốn tín dụng sớm thực thi, Chính phủ nên sớm triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, áp dụng trong 5 năm. Đây sẽ là kênh tín dụng quan trọng để chủ đầu tư và người dân có thể dễ dàng tiếp cận loại hình nhà ở này.
Thứ ba là đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội bằng vốn đầu tư công. Cho đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho xây dựng nhà ở xã hội còn rất hạn chế.
Điển hình như ở Hà Nội, từ năm 2015 đến ngày 1/8/2024, chưa có dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng bằng vốn ngân sách. Vì vậy, đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội cho thuê sử dụng vốn đầu tư công sẽ góp phần gia tăng nguồn cung và thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội phát triển bền vững trong tương lai.