Nghiên cứu - Trao đổi

Đề xuất nợ thuế từ 50 triệu bị hoãn xuất cảnh: “Vẫn rất cảm tính”

Khôi Nguyên 25/12/2024 04:30

“Quy định ngưỡng nợ thuế bị hoãn xuất cảnh qua mấy lần sửa đổi vẫn rất cảm tính, chưa rõ theo căn cứ nào nên chưa thuyết phục, thiếu yếu tố khoa học…”.

Đây là quan điểm của chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh trước thông tin Bộ Tài chính đã nâng mức đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn 120 ngày với mức 50 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh mới đây.

de-xuat-no-thue-qua-han-tu-50-trieu-dong-bi-hoan-xuat-canh-van-rat-cam-tinh-2.png
Bộ Tài chính đã nâng mức đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn 120 ngày với mức 50 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh minh hoạ

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tại buổi họp báo công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra tại Văn phòng Chủ tịch nước ngày 20/12/2024 vừa qua, ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Tài chính cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của truyền thông và các cơ quan liên quan, trong dự thảo nghị định mới nhất, Bộ Tài chính đã nâng mức đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn 120 ngày với mức 50 triệu đồng trở lên, sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Mức cá nhân nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh này đã tăng thêm 40 triệu đồng so với dự thảo hồi đầu tháng 12. Theo ông Sơn, toàn quốc còn khoảng 81.000 cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng. Mức này, theo ông Sơn tương đương với nhiều nước và theo kinh nghiệm quốc tế là phù hợp. Ông Sơn cũng khẳng định, tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế "là biện pháp hữu hiện trong quản lý thuế". Biện pháp này để đảm bảo người dân và chủ hộ kinh doanh thực hiện quyền và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Bình luận trên tờ Thanh niên về nội dung này, chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quy định ngưỡng nợ thuế để buộc tạm hoãn xuất cảnh cá nhân người nộp thuế qua mấy lần sửa đổi vẫn rất cảm tính, chưa rõ theo căn cứ nào nên chưa thuyết phục bởi thiếu yếu tố khoa học, hợp lý và chưa lý giải được tại sao phải là 50 triệu đồng.

de-xuat-no-thue-qua-han-tu-50-trieu-dong-bi-hoan-xuat-canh-van-rat-cam-tinh-1.png
Chuyên gia cho rằng, con số đưa ra để ban hành lệnh tạm hoãn xuất cảnh một cá nhân cần cẩn trọng, phải được căn cứ trên các yếu tố khoa học. Ảnh minh hoạ

Phân tích rõ hơn, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Luật Thuế là một trong những luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với cá nhân, doanh nghiệp. Nếu đã có kinh doanh, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng thuế vào ngân sách nhà nước. Nếu doanh nghiệp nộp thiếu, không chịu đóng thuế… đã là vi phạm pháp luật.

Từ góc nhìn đó, ông Thịnh lập luận, hiện đặt ra ngưỡng nợ thuế 50 triệu đồng sẽ bị hoãn xuất cảnh. Vậy 2 - 3 năm sau, đồng tiền trượt giá, chính sách thuế thay đổi, hay vì lý do bất khả kháng nào đó, liệu mức nợ thuế này có được áp dụng nữa không, hay lại phải thay đổi? Nếu sẽ thay đổi, vậy đưa vào quy định nghị định hướng dẫn thực hiện luật làm gì? Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng không cần luật hóa một con số nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh.

Theo vị chuyên gia này, nếu muốn áp dụng ngưỡng nợ thuế bao nhiêu để tạm hoãn xuất cảnh, có thể dựa trên thu nhập bình quân của cá nhân, hộ gia đình đó. Chẳng hạn, nợ thuế quá hạn với mức nợ bằng 1 hay 2 năm thu nhập của cá nhân người nộp thuế đó, sau khi ngành thuế đã áp dụng nghiêm túc các biện pháp truy thu không thành công, doanh nghiệp và cá nhân đại diện có dấu hiệu chây ì, coi thường pháp luật, cơ quan thuế có thể gửi thông báo hạn chế đi lại của cá nhân.

"Con số đưa ra để ban hành lệnh tạm hoãn xuất cảnh một cá nhân cần cẩn trọng, phải được căn cứ trên các yếu tố khoa học. Như vậy, tính theo mức thu nhập bình quân thì mỗi người sẽ có mức thu nhập khác nhau. Làm luật nên dựa trên cơ sở khoa học, không nên cảm tính để tùy tiện áp dụng, khó cho việc thực thi", PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) cũng cho rằng, ngành thuế cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng hơn. Bộ tiêu chí này có quy định nợ bao nhiêu lần, bao lâu. Phải đánh giá mức độ chây ì của doanh nghiệp, đã sử dụng các biện pháp gì? Quy mô, khả năng thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp thế nào?

"Ngưỡng nợ thuế nếu có, chỉ là một quy định nhỏ trong bộ tiêu chí chứ không thể cứ căn cứ vào mức nợ bao nhiêu sẽ bị cấm xuất cảnh, nghe rất cảm tính. Ngay cả việc áp dụng ngưỡng nợ bao nhiêu để đưa vào tiêu chí cũng cần sự đánh giá hết sức khoa học, nhân văn và hợp lý, chứ không nên "đổ đồng" nợ thuế chừng đó sẽ bị hoãn xuất cảnh. Bên cạnh đó, số liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế… cũng được đưa vào hệ thống tính toán để có ngưỡng khả thi, hợp lý cho từng doanh nghiệp, từng ngành hàng", TS Nguyễn Minh Thảo nêu quan điểm.

Khôi Nguyên