Indonesia và khoản đầu tư 1 tỷ USD của Apple
Indonesia tuyên bố “chiến thắng” sau khi buộc Apple phải tăng khoản đầu tư vào quốc gia này lên 1 tỷ USD cho việc dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chiến thắng này có thể không kéo dài. Việc sử dụng chính sách bảo hộ để thúc đẩy các công ty xây dựng nhà máy có thể khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phải ra rìa khi các nước láng giềng đang “trải thảm đỏ” chào đón các nhà đầu tư đang di dời khỏi Trung Quốc trước nguy cơ áp thuế quan của chính quyền Trump.
Chiến thắng của Indonesia?
Tờ Bloomberg News mới đây đưa tin, Indonesia đã đưa ra cái gọi là yêu cầu về nội dung trong nước để thúc đẩy Apple tăng giá thầu đầu tư từ 10 triệu USD lên 1 tỷ USD trong vòng một tháng, nếu muốn được phép bán iPhone 16 tại quốc gia này.
Và theo một phần trong đề nghị mới nhất của Apple, một trong những nhà cung cấp của hãng sẽ thành lập một nhà máy sản xuất AirTags trên đảo Batam và tuyển dụng khoảng 1.000 công nhân.
Theo David Sumual, chuyên gia kinh tế trưởng tại PT Bank Central Asia ở Jakarta, đây là cách chính phủ nước này đảm bảo nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn, đặc biệt nhắm vào các công ty “có lợi ích đáng kể trong việc duy trì khả năng tiếp cận thị trường Indonesia” với 270 triệu dân.
Ông Sumual cho biết: “Chính sách này cũng có thể ngăn cản FDI bằng cách tăng chi phí, đưa ra các quy định phức tạp và yêu cầu nội địa hóa trong các lĩnh vực mà các nhà cung cấp trong nước thường không có đủ năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến”.
Trên thực tế, Indonesia cần sự phục hồi của ngành sản xuất để tạo việc làm và thúc đẩy hoạt động kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm 8% trong năm năm tới. Đất nước này đang hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phải nhiều thất bại. Một số nhà máy dệt may và giày dép đã đóng cửa trong năm nay, sa thải hàng nghìn công nhân trong bối cảnh doanh số yếu và thua lỗ ngày càng tăng. Một công ty dược phẩm địa phương cũng có kế hoạch cắt giảm một nửa các nhà máy sản xuất của mình trong những năm tới.
Yêu sách này đã buộc Apple phải đi theo hướng đi của những Samsung và Xiaomi trong việc chi hàng tỷ đô la để xây dựng các nhà máy nhằm đáp ứng các quy định về nội dung địa phương Indonesia, bất chấp những thách thức về chi phí và chuỗi cung ứng có thể cản trở các khoản đầu tư như vậy.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) cho biết trong một báo cáo vào tháng 11 rằng các quy định có thể dẫn đến mức sản xuất thấp hơn. Các công ty cũng thường bị buộc phải tìm nguồn vật liệu đắt hơn hoặc chất lượng hơn với các linh kiện điện tử tiên tiến có nguồn cung hạn chế tại địa phương. Báo cáo cho biết: “Khoảng cách giữa nhu cầu sản xuất trong nước của chính phủ và cơ sở hạ tầng thực tế để hỗ trợ các tiêu chuẩn công nghệ cao tạo ra trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài”.
Yêu sách của Indonesia có thể trở thành rào cản lớn hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ nước này muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 35% đối với tất cả điện thoại di động và máy tính bảng được bán trong nước, Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết vào tháng 11. Bộ cũng đang xem xét bãi bỏ một con đường đầu tư mà Apple đã sử dụng trong quá khứ, đó là tài trợ cho các học viện phát triển. Điều này khiến các công ty chỉ còn hai lựa chọn để đáp ứng các quy tắc về nội dung trong nước: sản xuất các bộ phận hoặc ứng dụng tại Indonesia.
Cơ hội cho Việt Nam và Ấn Độ?
Theo các chuyên gia phân tích tại Bloomberg, yêu cầu nội địa hóa của Indonesia bao gồm nhiều ngành công nghiệp, từ ô tô đến thiết bị y tế, cùng với các vấn đề tồn tại hàng thập kỷ như thủ tục hành chính rườm rà, thuế cao và lực lượng lao động kém năng suất, đã khiến tăng trưởng sản xuất của Indonesia đã chậm lại.
Trong khi đó, các nước láng giềng như Việt Nam và Ấn Độ đang cung cấp các ưu đãi về thuế, phê duyệt nhanh chóng và quyền tự do tìm nguồn cung ứng linh kiện từ khắp chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, điều này khiến các nhà đầu tư luôn cho thấy sự ưu ái hơn với các nước này.
Tại tỉnh Bắc Giang, miền Bắc Việt Nam, nơi có nhiều nhà cung cấp của Apple, các viên chức sắp xếp xe buýt cho công nhân đi từ làng đến nhà máy, giải phóng mặt bằng cho ký túc xá và giúp hòa giải các tranh chấp lao động. Họ thậm chí còn gọi điện thoại ban đêm với trụ sở chính của Apple tại Cupertino, California để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ, tờ Bloomberg nhấn mạnh.
Jia Hui Tee, nhà phân tích chính sách thương mại cấp cao tại Hinrich Foundation, cho biết: “Có những nhà đầu tư có thể thích các thị trường tự do như Việt Nam hơn so với Indonesia. Điều này có thể khiến họ xem xét lại các quyết định đầu tư để ưu tiên các quốc gia có ít hạn chế”.
Krisna Gupta, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Indonesia cũng cho biết, điều đó khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với các công ty muốn sản xuất để xuất khẩu và giải thích tại sao Apple có thể đầu tư 15 tỷ USD hoặc nhiều hơn thế vào Việt Nam, mặc dù thị trường trong nước nhỏ hơn Indonesia. “Bây giờ không phải là thời điểm tốt nhất để chơi cứng rắn”, Krisna Gupta cho biết. “Đây có thể là một trò chơi nguy hiểm”.