Kiến nghị

Nguy cơ bị thu hồi giá FIT: Bài 1 - Đủ quy trình vẫn liệt tên trong danh sách sai phạm

Phương Thanh 25/12/2024 11:00

Doanh nghiệp năng lượng tỉnh Ninh Thuận hoang mang lo lắng đến sự sống còn của dự án, vì có nguy cơ bị thu hồi giá FIT.

Theo tinh thần của giải pháp số 4 được Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo vừa qua, một số doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang hoảng loạn, lo lắng trước nguy cơ bị thu hồi giá FIT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng trả nợ ngân hàng và chi phí vận hành hàng năm.

Sai phạm do đâu?

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo cho biết: Doanh nghiệp đã chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật, cùng các điều kiện đưa ra theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - Xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 -2023. Cụ thể khi đầu tư dự án điện mặt trời ở địa bàn tỉnh, doanh nghiệp đã hoàn thành mọi thủ tục về chấp thuận chủ trường đầu tư, xây dựng, về quy hoạch dự án, quy hoạch đấu nối, thủ tục nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại trong thời gian hưởng FIT 1 theo cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, dự án của doanh nghiệp vẫn bị liệt tên vào danh sách 14 dự án hưởng ưu đãi giá bán điện không đúng Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018.

a2.jpg
Doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận mong có cách giải quyết phù hợp cho các dự án

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ: Tại hội nghị được Văn phòng Chính phủ tổ chức vào ngày 12/12/2024, doanh nghiêp đã được nghe và đọc Báo cáo số 321/BC-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Nghị quyết Chính phủ về chủ trương, phương hướng thảo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo và đồng thời được nắm bắt nội dung của Kết luận số 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách pháp luật trong quán lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tại Mục B - Mục I - Điểm 5 của Kết luận số 1027/KL-TTCP có nêu tên cụ thể 14 Dự án Điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang được hưởng ưu đãi giá bán điện (FIT 9,35cent/ kWh) là không phù hợp với Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ.

Trong đó tại Điểm 4 trong Báo cáo số 321/BC-BCT về việc triển khai Nghị quyết Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, tại Mục 2 - Khoản 2.1 - có nêu “Các dự án đang được hưởng giá FIT có vi pham theo Kết luận của cơ quan có thẩm quyền... thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Như vậy, 14 dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang được hưởng ưu đãi giá bán điện (FIT 9,35cent/kWh) sẽ có nguy cơ thu hồi lại giá FIT cao.

Giãi bày về nỗi lo này, đại diện một doanh nghiệp cho biết: “Dự án của chúng tôi chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về Quy hoạch dự án phù hợp với quy định, cụ thể Thủ tướng Chính phủ cho phép, phân cấp Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch dự án có công suất đến 50 MW (theo điểm i khoản 1 Điều 13 Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4/2017). Về quy hoạch đấu nối của dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/5/2018. Nghĩa là, pháp lý của dự án ĐMT này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai (cả việc phân cấp phê duyệt quy mô dự án cho Bộ Công Thương và trực tiếp phê duyệt quy hoạch đấu nối trước ngày 31/8/2018) đồng nghĩa việc dự án hoàn toàn đáp ứng đúng tinh thần, điều kiện tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ. Như vậy theo quy định của pháp luật, Dự án hoàn toàn đáp ứng tiêu chí, điều kiện được hướng giá FIT của Chính phủ. Tại sao vẫn bị liệt tên trong danh sách này”- đại diện chủ đầu tư phân trần.

Doanh nghiệp kêu cứu

a1.jpg
Doanh nghiệp cho rằng cần minh bạch các sai phạm, xử lý từ đầu để giúp lành mạnh môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Trước những quy định gây hoang mang trên, doanh nghiệp này cũng đã làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Ninh Thuận giải trình về trình tự đầu tư và vận hành thương mại Dự án Nhà máy Điện mặt đúng theo quy định của Nhà nước đã ban hành. Đồng thời, khẩn thiết, kính mong UBND tỉnh Ninh Thuận và các sở, ban, ngành tỉnh có ý kiến giải trình, báo cáo các nội dung trình bày như trên tới Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để Dự án được xem xét lại và hưởng ưu đãi giá bán điện theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 về cơ chế ưu đãi cho dự các dự án năng lượng tái tạo.

Nhấn mạnh nỗi khó khăn này, doanh nghiệp cho rằng: Trường hợp nếu Dự án không được hưởng giá FIT của Nhà nước và bị thu hồi lại các khoản giá FIT đã được hưởng, doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn, làm mất cân đối tài chính, mất khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn và dẫn tới phá sản. Điều này cũng sẽ khiến nguồn thu thuế GTGT, thuế TNDN bị mất mát nghiêm trọng và người lao động tại địa phương bị mất việc làm.

Phương án giải pháp tháo gỡ nêu tại Báo cáo 321/BC-BCT có thể làm phát sinh các vụ khiếu kiện quốc tế, khiếu kiện giữa bên mua và bên bán điện, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì bắt lỗi các doanh nghiệp đã làm đúng quy trình ban hành, dự án đã được công nhận vận hành thương mại vài năm trôi qua, nhưng lại thu hồi các ưu đãi đưa ra thì quy định này sẽ khó có thể có sức hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thời gian tới để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trung tâm năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận và góp phần thực hiện cam kết COP26, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Nhà nước.

Bài 2: Hướng giải quyết nào ổn thỏa cho doanh nghiệp?

Phương Thanh