Tăng trưởng năm 2025 sẽ ở mức 8%
Năm 2025, động lực tăng trưởng truyền thống dự báo duy trì đà phát triển trong khi các động lực mới từ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đang thẩm thấu vào các ngành nghề, lĩnh vực.
Trao đổi với DĐDN, ông Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, những cơ hội và thách thức đan xen tác động đến tăng trưởng kinh tế trong năm tới; song với quyết tâm và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025 sẽ không quá khó để đạt được.
- Ông có nhận định gì cho phát triển kinh tế 2025?
Dẫu đối diện với không ít biến động nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả khả quan, nhất là những tháng cuối năm để cán mốc tăng trưởng, theo tôi đánh giá là 7,25%. Trong đó, xuất khẩu trong 11 tháng qua bứt phá mạnh với mức tăng cao hơn năm 2023 và xấp xỉ năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với tỷ lệ đăng ký mới đã giảm đi nhiều; đầu tư và giải ngân của khu vực ngoài nhà nước cũng tốt hơn. Tôi cho rằng, đây là động lực rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Bước sang năm 2025 cũng là thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump với chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam vốn có thặng dư thương mại rất lớn. Song, có một điểm quan trọng là chính sách của chính quyền Trump 2.0 cũng tác động mạnh mẽ đến Trung Quốc khiến dòng vốn đầu tư từ nước láng giềng sẽ chuyển sang Việt Nam, tạo cơ hội lớn trong thu hút đầu tư của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, xuất khẩu tiếp đà tăng mạnh ở các thị trường khác, nhất là khi Việt Nam đã tham gia nhiều FTA,...
Ở trong nước, động lực tăng trưởng lớn đến từ việc hoàn thiện thể chế về kinh tế đầu tư và tài chính, góp phần tháo gỡ vướng mắc cho môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển. Theo tôi, nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân có xu hướng tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư xã hội. Bên cạnh đó, đầu tư từ nhà nước - vốn mồi dẫn dắt nền kinh tế tiếp tục chi cho hoàn thiện cơ sở hạ tầng, liên kết vùng để hình thành các vành đai công nghiệp, thúc đẩy lưu thông hàng hóa hay nhiều công trình lớn được khởi động như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhà máy điện hạt nhân... Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện tinh gọn bộ máy; 63 tỉnh thành sẽ thực hiện đồng loạt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tạo những tiền đề rất tốt để kinh tế tăng trưởng trong năm 2025.
- Những tín hiệu lạc quan cho tăng trưởng tuy đã nhìn thấy trước nhưng kinh tế thế giới trong năm tới được dự báo vẫn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, tạo áp lực cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về những thách thức đó?
Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam chịu tác động của thị trường toàn cầu. Trong đó, mối quan tâm nhất thời điểm này là chính sách của chính quyền Trump 2.0 với kế hoạch sẽ áp thuế vào các nước xuất siêu, bao gồm Việt Nam. Do đó, chúng ta cần đảm bảo sự cân bằng, tránh rủi ro về áp đặt thuế. Thứ nữa, khi tranh cử, ông Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris có thể khiến cho hỗ trợ, đầu tư cho chuyển đổi xanh bị hạn chế hay chính sách tiền tệ dự báo sẽ được nới lỏng, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trong khi đó, ở trong nước, hiệu quả của khối doanh nghiệp còn thấp đến từ yếu tố nội tại của doanh nghiệp (chiến lược kinh doanh, nhân sự, máy móc...) và yếu tố ngoài doanh nghiệp (môi trường đầu tư, chính sách, diễn biến chính trị thế giới,...). Do đó, cải thiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng và cấp bách hiện nay. Chẳng hạn, theo tính toán, dệt may - một trong những ngành xuất khẩu chủ lực có thể đóng góp thêm cho tăng trưởng 1,26% nếu được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.
- Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo có thể được hiểu là một trong những yếu tố để kích thích tăng trưởng và cải thiện chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, thưa ông?
Sau gần 5 năm triển khai, chuyển đổi số đang được thực hiện rất mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, các ngành nghề, lĩnh vực. Tôi tính toán, ở những ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực, mũi nhọn, doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, tự động hóa đạt được năng suất cao hơn như trong ngành thép có thể giúp tăng năng suất đến 50%. Có thể thấy, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo đóng góp cho tăng trưởng thêm 4,7 tỷ USD.
Trong thời gian tới, theo tôi được biết, Việt Nam sẽ ban hành Nghị định về trí tuệ nhân tạo, cùng với các Nghị định trước đó về chuyển đổi số sẽ mang lại những tác động tích cực. Trong đó, công nghệ cần được đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam là nông lâm thủy sản góp phần tăng chất lượng, phát triển nông nghiệp hữu cơ, giảm phát thải, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường toàn cầu. Với các cơ hội, điều kiện khách quan thuận lợi cùng sự chuẩn bị đầy đủ từ trong nước, theo tôi mục tiêu đặt ra là tăng trưởng GDP 8% cho năm tới có thể thực hiện được.