Chính trị - Xã hội

Cuối năm 2024 nói chuyện thưởng Tết Nguyên đán 2025

Hà Thu 26/12/2024 04:08

Những con số về mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 đang thu hút sự chú ý, trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận.

Ngay từ đầu tháng 11/2024, công tác tổng hợp và báo cáo tình hình lương, thưởng Tết đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh, yêu cầu các địa phương hoàn thành trước ngày 15/12.

Năm nay, mức thưởng cao nhất đạt 700 triệu đồng tại một doanh nghiệp dân doanh ở Đà Nẵng, tiếp đến là Long An với 519 triệu đồng. Mặc dù con số khá ấn tượng, nhưng các mức thưởng này vẫn thấp hơn so với con số "kỷ lục" 5,68 tỷ đồng mà Long An từng ghi nhận năm ngoái cho một quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI Nhật Bản.

Tại Bình Dương, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cũng cho thấy những tín hiệu tích cực, không chỉ về thu nhập mà còn phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế địa phương sau một năm đầy biến động. Với mức thưởng bình quân đạt 8,77 triệu đồng/người, tăng 25,3% so với năm trước, đây là một bước tiến đáng khích lệ, khẳng định sự nỗ lực của cả doanh nghiệp và người lao động trong việc duy trì và phát triển sản xuất. Đặc biệt, con số 574 triệu đồng/người tại một doanh nghiệp FDI ở Bình Dương đã trở thành điểm sáng trong bức tranh thưởng Tết năm nay.

thuongtet5.jpg
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch thưởng tết cho người lao động. Ảnh: Tuấn Vỹ.

Theo thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mức thưởng bình quân tại hầu hết các doanh nghiệp được ghi nhận bằng khoảng 1 tháng lương, thể hiện sự ổn định trong chính sách phúc lợi. Đặc biệt, Thái Bình trở thành tỉnh có mức thưởng bình quân cao nhất, đạt trên 9,8 triệu đồng/người.

Mức thưởng Tết không chỉ là vấn đề tài chính mà còn phản ánh bức tranh toàn cảnh về tình hình sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp trong suốt một năm qua.

Tính đến nay, đã có 20 tỉnh, thành công bố thông tin thưởng Tết Nguyên đán 2025, trong khi đó phần lớn các tỉnh, thành vẫn đang trong quá trình cân đối và chuẩn bị thông báo.

Những tín hiệu ban đầu cho thấy một bức tranh tích cực hơn so với năm ngoái, với mức thưởng bình quân tăng từ 5-7% nhờ vào sự phục hồi kinh tế và sự cải thiện trong đơn hàng của nhiều ngành. Dù vậy, khoảng cách giữa mức thưởng cao nhất và thấp nhất vẫn là vấn đề đặt ra, phản ánh rõ nét sự khác biệt giữa các nhóm doanh nghiệp.

Dù mức thưởng cao nhất năm nay đạt 500-700 triệu đồng, chủ yếu dành cho các cá nhân xuất sắc ở vị trí lãnh đạo, quản lý, nhưng con số này không đại diện cho phần đông người lao động. Mức thưởng bình quân tại 20 tỉnh, thành phố đã công bố vẫn dao động từ 3-8 triệu đồng, phản ánh thực trạng chung của nhiều ngành nghề và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực tế này cho thấy sự phân hóa đáng kể giữa các nhóm lao động và loại hình doanh nghiệp. Trong khi một số ngành phục hồi mạnh mẽ, một số lĩnh vực khác vẫn đối mặt khó khăn. Tuy vậy, mức tăng nhẹ trong thưởng Tết là tín hiệu đáng mừng, không chỉ mang lại sự động viên tinh thần mà còn thể hiện sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc chăm lo cho người lao động dù còn nhiều thách thức.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thưởng Tết năm nay không chỉ thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đến người lao động, mà còn là kết quả của chiến lược quản lý chi phí hợp lý, được lên kế hoạch từ đầu năm.

Khảo sát cho thấy mức thưởng Tết năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với năm trước. Trong đó, một số ngành như dệt may, da giày, dịch vụ, logistics... ghi nhận mức thưởng khá, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng. Cá biệt, nhóm lao động kỹ thuật cao tại một số doanh nghiệp có mức thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh tiền mặt, quà tặng hiện vật cũng được nhiều doanh nghiệp sử dụng như một cách tri ân người lao động.

Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp có thể cải thiện mức thưởng Tết xuất phát từ một số yếu tố như nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến hết quý I/2025, đảm bảo nguồn thu lâu dài. Bên cạnh đó, các chỉ số xuất khẩu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, tạo tiền đề cải thiện thu nhập. Đáng chú ý, doanh nghiệp ngày càng chú trọng vào thỏa ước lao động, cải thiện tiền lương và thưởng để giữ chân người lao động trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc công bố sớm tiền thưởng Tết không chỉ đem lại lợi ích cho người lao động, mà còn giúp doanh nghiệp củng cố uy tín và hình ảnh trong mắt nhân viên. Một môi trường làm việc tích cực sẽ thúc đẩy hiệu suất sản xuất, hoàn thành các mục tiêu kinh doanh cuối năm, đồng thời giữ chân nhân sự trước nguy cơ dịch chuyển lao động sau Tết.

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, thưởng Tết không chỉ là câu chuyện của riêng người lao động, mà còn là trách nhiệm và chiến lược của doanh nghiệp trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa. Thưởng Tết, dù lớn hay nhỏ, đều mang giá trị tinh thần, tiếp thêm động lực cho người lao động, để mọi người cùng đón Tết trong không khí ấm áp và ý nghĩa.

Theo quy định, thưởng là số tiền, tài sản hoặc các hình thức khác mà chủ sử dụng thưởng cho lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc. Quy chế thưởng do chủ doanh nghiệp quyết định, công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện lao động tại cơ sở. Điều đó có nghĩa, việc doanh nghiệp thưởng tháng lương thứ 13 hoặc trả nhiều hơn là thỏa thuận riêng, không có quy định bắt buộc.

Dù không có quy định bắt buộc, song doanh nghiệp vẫn thu xếp tài chính để thưởng tết cho người lao động. Bởi với họ, thưởng Tết không chỉ là một phần thưởng về tài chính mà còn là sự ghi nhận công sức, là động lực để họ tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp trong năm tới. Hơn nữa, việc thưởng Tết cũng là một cách để khẳng định thương hiệu, tạo dựng hình ảnh và giữ vững uy tín trong mắt nhân viên.

Hà Thu