Sân bay Tây Ninh và "cú hích" cho phát triển du lịch
Với phương án xây dựng sân bay Tây Ninh giai đoạn đầu để đưa vào khai thác khoảng 4.738 tỉ đồng, đáp ứng phục vụ 1 triệu hành khách/năm sẽ là cú hích cho phát triển du lịch.
Đó là ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp sau khi UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng và trình đề án nghiên cứu khả năng hình thành sân bay Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện dự án theo phương thức PPP
Đáng chú ý, để thúc đẩy, tạo đột phá phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải về đề án nghiên cứu khả năng hình thành sân bay Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về phương án, UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng vị trí sân bay Tây Ninh đã được nghiên cứu ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Trong đó, theo phương án sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng sân bay Tây Ninh giai đoạn đầu để đưa vào khai thác là khoảng 4.738 tỉ đồng, đáp ứng phục vụ 1 triệu hành khách/năm.
Cũng theo UBND tỉnh Tây Ninh, nếu tính theo phương đường thẳng, sân bay Tây Ninh sẽ cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 74km, cách sân bay Long Thành khoảng 106km, cách biên giới Campuchia 44km, cách thành phố Tây Ninh khoảng 24km. Đặc biệt, cách khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen khoảng 15km, cách Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát khoảng 68km.
Về địa hình, đây là khu vực này nằm hoàn toàn ở đồng bằng trống trải, địa hình tương đối bằng phẳng, không phải khu vực tập trung đông dân cư, thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình hiện hữu.
Do đó, đây là cơ sở để Sân bay Tây Ninh được nghiên cứu thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với công suất khai thác 1 triệu hành khách/năm; công suất giờ cao điểm 400 hành khách/giờ.
Sân bay có một đường băng theo trục Đông Bắc - Tây Nam dài 3.200m, rộng 45m và 6 vị trí đỗ máy bay, khai thác các loại máy bay code E (Boeing 777-300ER, Airbus A350-900 hoặc tương đương) và code C (Airbus A320, A321 hoặc tương đương).
Bên cạnh đó, nếu được phê duyệt, Sân bay Tây Ninh không chỉ là sân bay dân dụng có tính chất dùng chung dân dụng - quân sự, mà còn là cảng hàng không nội địa, có tuyến bay quốc tế.
Về diện tích đất quy hoạch sân bay Tây Ninh sẽ khoảng 420ha, có dự trữ đất để phát triển trong tương lai. Thời gian thực hiện dự án sân bay Tây Ninh dự kiến 2026-2030.
Về nguồn vốn, UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng theo phương án sơ bộ thì tổng mức đầu tư xây dựng sân bay Tây Ninh giai đoạn đầu để đưa vào khai thác là khoảng 4.738 tỉ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn vốn đầu tư sân bay Tây Ninh được huy đông từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình, hạ tầng kỹ thuật khoảng 711 tỉ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án). Phần còn lại, vốn nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức PPP là 4.026 tỉ đồng (chiếm 85% tổng mức đầu tư dự án). Thời gian hoàn vốn dự kiến 42 năm.
Vì vậy, để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, cho ý kiến thẩm định để UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng quyết định bổ sung sân bay Tây Ninh vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi được xem xét, bổ sung quy hoạch, UBND tỉnh Tây Ninh sẽ tiến hành chính thức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu kêu gọi đầu tư dự án cảng hàng không Tây Ninh theo phương thức PPP.
Cú hích cho phát triển du lịch
Đánh giá về những lợi thế trong việc phát triện hệ thống sân bay tại các địa phương, ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng việc phát triển hệ thống sân bay tại Tây Ninh nói riêng và các địa phương chung sẽ là bước tiến tạo đột phá nhằm kết nối đường hàng không, liên kết vùng giữa các tỉnh lẻ với các thành phố lớn và quốc tế để phát triển kinh tế, tạo cú hích cho phát triển du lịch là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay
“Việt Nam có 28 tỉnh thành có đường bờ biển và trải dài khắp đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta còn có các địa phương có nhiều dư địa về phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch tâm linh… bao gồm cả các tỉnh Tây nguyên cũng như các tỉnh Đồng bằng, trong khi các quốc gia phát triển trên thế giới không có thì Việt Nam đang là lợi thế có một không hai. Đặc biệt, khi phát triển hệ thống sân bay tại các địa phương càng nhiều không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, mà còn xây dựng hình ảnh quốc gia trên thương trường quốc tế, góp phần tạo cú hích cho phát triển du địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung là điều mà chúng ta nên làm”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, đơn cử, ở Trung Quốc, theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 248 sân bay, trong đó có 10 sân bay quốc tế. Đặc biệt, theo lộ trình Trung Quốc nhắm đến việc vận phát triển và vận hành hơn 400 sân bay dân dụng khắp toàn quốc vào cuối 2035, tức là tăng khoảng 150 sân bay so với hiện nay. Như vậy Trung Quốc dự kiến sẽ có trung bình khoảng 10 sân bay mới mỗi năm cho đến năm 2035.
Trong đó, tháng 10/2016, Trung Quốc đã bắt đầu trải thảm đỏ mời gọi vốn tư nhân trong tất cả các dự án sân bay dân dụng được quy hoạch trong đề cương phát triển sân bay hoặc quy hoạch công nghiệp và khu vực đặc biệt của đất nước. Trong hướng dẫn ban hành vào thời điểm đó, Trung Quốc đã đề cập đến mục tiêu giảm số lượng sân bay quốc doanh hoặc nhà nước sở hữu, đồng thời nêu rõ tài trợ cho việc xây dựng và khai thác sân bay theo hình thức đối tác công - tư (PPP), sẽ được khuyến khích để nâng cao "chất lượng và hiệu quả dịch vụ". Việc mở cửa cho vốn tư nhân cũng được cho sẽ giảm bớt áp lực tài chính cho chính phủ và đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Vì vậy, Tây Ninh nói riêng và các địa phương nói chung cũng nên nghiên cứu mô hình này để có cơ sở trình Chính phủ. Và trên cơ sở đó có phương án cụ thể để hiện thực hoá mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh, tạo cú hích cho phát triển du lịch địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, doanh thu du lịch Tây Ninh sẽ đạt con số ấn tượng 9.000 tỷ đồng; khách tham quan đạt 18 triệu lượt. Định hướng đến năm 2030, du lịch tỉnh sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên.
Đánh giá về việc phát triển các sân bay nhỏ tại các địa phương, PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, ngoài những thay đổi về nhu cầu di chuyển, thời gian gần đây khách du lịch đang rất chú ý đến các tour du lịch trải nghiệm, có tính khám phá cao tại các điểm đến mới thuộc các địa phương vùng xa, vùng sâu. Do đó, đây là cơ hội để các địa phương nói trên thu hút khách du lịch nếu như chúng ta sớm đầu tư được hạ tầng có tính kết nối thuận tiện, nhanh chóng.
“Việc các địa phương liên tục xin bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư các sân bay lưỡng dụng, quy mô nhỏ là nhu cầu có thực, khác xa kiểu đầu tư theo phong trào trong giai đoạn trước đây. Đồng thời, việc có sân bay không chỉ giúp cho các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, mà còn mở ra nhanh cánh cửa với khu vực và thế giới đối với các hàng hóa, sản phẩm đặc hữu, đảm bảo an ninh quốc phòng trong tình huống khẩn cấp”, PGS TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Theo quyết định số 648/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh là 1 trong 12 vị trí quy hoạch sân bay tiềm năng. Trong đó, UBND các tỉnh có nhiệm vụ tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không tại những vị trí trên. Đồng thời, đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động có liên quan, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai xây dựng khi đủ điều kiện. |