Du lịch

Quảng Điền phát triển du lịch, dịch vụ

Lê Nam - Nguyễn Hà 22/12/2024 16:54

Huyện Quảng Điền nằm không xa quần thể di tích cố đô Huế, có điều kiện thuận lợi để phát triển thành vùng kinh tế ven đô, kế tiếp sự phát triển lan tỏa của đô thị Huế.

Du khách chèo thuyền SUP tham quan rừng ngập mặn tại đầm phá Tam Giang thuộc xã Quảng Lợi
Du khách chèo thuyền SUP tham quan rừng ngập mặn tại đầm phá Tam Giang thuộc xã Quảng Lợi

Quảng Điền nằm ở hạ lưu sông Bồ, có đất đai màu mỡ, là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh. Đồng thời, với bờ biển dài gần 12 km và vùng đầm phá rộng lớn với diện tích 3.500 ha, Quảng Điền có tiềm năng về đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Bên cạnh đó, vùng đất cát nội đồng với địa hình cao ráo là lợi thế để phát triển kinh tế trang trại. Đặc biệt, Quảng Điền nằm ở vùng ven biển, đầm phá, có nhiều cảnh quan sinh thái đẹp và còn nguyên sơ.

Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, để phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua huyện tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, phát triển vùng huyện Quảng Điền đến năm 2035 trở thành vùng trọng điểm của khu vực về phát triển dịch vụ, du lịch vùng biển, đầm phá; phát triển mạnh kinh tế trang trại; nuôi trồng, khai thác thủy sản. Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn, khu chức năng theo hướng tăng trưởng xanh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hiện đại, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư, xây dựng đô thị Sịa hướng đến các tiêu chuẩn của đô thị loại IV, phát triển nâng cấp đô thị mới Thanh Hà thành đô thị loại V, phát triển khu vực Phú Thuận, Vĩnh Tu hướng đến tiêu chuẩn đô thị. Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển với các vùng lân cận.

Được biết, huyện khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa hướng đến xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, huyện đã hình thành được một số trang trại thủy sản đặc sản gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch ẩm thực. Đối với du lịch, Quảng Điền đang tập trung đẩy mạnh liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, đầm phá Tam Giang, các di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề truyền thống trên địa bàn để phát triển du lịch.

Năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục có bước phát triển khá, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Lê Nam - Nguyễn Hà