Thông tin doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Dệt May Huế lớn mạnh cùng Thừa Thiên Huế

Lê Nam 22/12/2024 16:55

Trải qua 36 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Dệt May Huế đã nâng quy mô mang tầm vóc một trung tâm Dệt May lớn của khu vực miền Trung và cả nước.

Ông Nguyễn Văn PhongA
Ông Nguyễn Văn Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt May Huế

Từ Nhà máy Sợi Huế với một dây chuyền 17.000 cọc sợi cùng hơn 1.000 lao động, đến nay Công ty Cổ phần Dệt May Huế có vốn điều lệ 200 tỷ đồng với 8 nhà máy, xí nghiệp; tạo việc làm, thu nhập ổn định với mức trên 9 triệu đồng/người/tháng cho gần 5.000 lao động địa phương.

Từ nhóm doanh nghiệp nhà nước chất lượng trung bình với rất nhiều hạn chế ở cả quy mô doanh nghiệp, đội ngũ quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, 19 năm sau khi cổ phần hoá, Công ty Cổ phần Dệt May Huế đã trở thành một thành viên trong top các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói chung và kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Doanh thu sản xuất kinh doanh hàng năm của Công ty đã đạt đến mốc xấp xỉ 2.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên 100 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách gần 60 tỷ đồng mỗi năm. Dự kiến năm 2024, doanh thu đạt 102% kế hoạch, lợi nhuận đạt 117% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông và Tập đoàn giao.

mng06975.jpg

Đi đôi với việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người lao động, Công ty đã làm tốt công tác xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, tấm lòng vàng, phát động CBCNV đóng góp hàng tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị bão lụt, ủng hộ công tác phòng, chống dịch của địa phương, chương trình ủng hộ vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu, nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, xây nhà tình nghĩa; kết nghĩa, đỡ đầu xã Hồng Vân huyện A lưới, đồn biên phòng Phong Hải,...

Ông Nguyễn Văn Phong - Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, quá trình xây dựng và phát triển của Công ty Cổ phần Dệt May Huế gắn liền với sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hợp tác và chia sẻ của Lãnh đạo, cán bộ, công chức tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những giải pháp thiết thực và đã ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần giảm rất nhiều thủ tục, hồ sơ trong quá trình vận hành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình doanh nghiệp thông qua các Sở, ban ngành, các cuộc gặp mặt doanh nghiệp và triển khai tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp; Ban quản lý KKT-CN, Hiệp hội Doanh nghiệp,…

Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: Công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may…

Lê Nam