Nhìn lại 2024 - Năm tập trung nguồn vốn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Năm 2024, ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách về tín dụng, lãi suất, tỷ giá và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp...
Mặc dù chưa kết thúc năm và chưa có số liệu chính thức về tăng trưởng tín dụng và các hoạt động chủ yếu khác trên địa bàn, song ở góc độ quản lý và nếu đặt vấn đề đánh giá và lựa chọn kết quả nổi bật hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong năm 2024, có thể nói những kết quả về thực hiện nhiệm vụ chính sách tiền tệ (theo Chỉ thị 01 về các giải pháp tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng năm 2024 của Ngân hàng Trung ương (NHTW) ngày 15/1/2024) là những kết quả nổi bật và mang đậm dấu ấn chính sách tiền tệ tín dụng của NHTW.
Thứ nhất, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định. Mặc dù thị trường chịu tác động và phản ứng rất nhanh, nhạy với những biến động từ các yếu tố bên ngoài: như biến động của các đồng tiền mạnh như đồng USD, biến động của thị trường tài chính và xung đột địa chính trị cũng như diễn biến phức tạp từ thị trường vàng thế giới… song thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng, lãi suất và tỷ giá trên địa bàn năm 2024 về cơ bản vẫn diễn biến theo đúng định hướng điều hành của NHTW và gắn với cung cầu của thị trường.
Kết quả này, có ý nghĩa quan trọng không chỉ phản ánh hiệu quả chính sách tiền tệ của NHTW; hiệu quả công tác quản lý; công tác triển khai cơ chế chính sách và công tác truyền thông, mà trên hết sự ổn định đó trên địa bàn góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu chung về ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát của NHTW. Đồng thời là cơ sở để ngành ngân hàng TP Hồ Chí Minhthực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố trong năm 2024. Đây là kết quả quan trọng, nổi bật và mang đậm dấu ấn chính sách tiền tệ của năm.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, với nội hàm triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách về tín dụng, về lãi suất, về tỷ giá và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là làm tốt công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động đối thoại doanh nghiệp và truyền thông chính sách… đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận thuận lợi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của NHTW.
Đơn cử như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp; cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, gói lâm sản, thủy sản và gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, với những kết quả ấn tượng sau:
1) Trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…, qua đó giúp doanh nghiệp, duy trì, mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN, với dư nợ đạt 33.420 tỷ đồng cho 43.842 khách hàng;
2) Tập trung vốn cho nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, theo đó dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực, gồm lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay đạt: 1.741.030 tỷ đồng. Trong đó cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt: 1.417.060 tỷ đồng, chiếm 57,4% trong tổng dư nợ tín dụng cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực này.
3) Đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên và trở thành nhiệm vụ chung của ngành và chính quyền địa phương các quận, huyện, sở, ngành. Qua đó làm tốt công tác truyền thông chính sách, triển khai chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi vốn và dịch vụ ngân hàng. Kết quả đã xử lý trực tiếp và tháo gỡ khó khăn cho 98 doanh nghiệp có phản ánh về nhu cầu vốn, song không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, qua đó có thông tin phản hồi: cho vay đáp ứng vốn được; không cho vay được với nguyên nhân rõ ràng để doanh nghiệp và người dân thành phố thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng hơn.
4) Chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt vai trò “kết nối” và đưa cơ chế chính sách của NHTW đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả, thực hiện được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Theo đó, năm 2024, chương trình tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng về quy mô gói tín dụng ưu đãi, về số lượng hội nghị tổ chức; về doanh số giải ngân và số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ.
Năm 2024, ngành Ngân hàng thành phố đã phối hợp với UBND các quận huyện, hiệp hội doanh nghiệp và sở công thương thành phố tổ chức 38 hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp (năm 2023 là 34 hội nghị), qua đó giải ngân gói tín dụng ưu đãi đạt: 584.267 tỷ đồng bằng 130,82% so với quy mô gói cho 191.618 khách hàng. Việc gắn gói tín dụng ưu đãi với cơ chế chính sách về lãi suất; về cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; về giải ngân gói tín dụng lâm sản thủy sản…. thành tiêu chí của gói để các TCTD tham gia đăng ký và giải ngân cho vay, vừa đảm bảo cho việc thực thi chính sách hiệu quả, vừa đảm bảo chương trình không hình thức và không thể hình thức, doanh nghiệp, khách hàng đủ điều kiện vay vốn, đúng đối tượng, đảm bảo được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của NHTW và UBND thành phố.
Kết quả này hội tụ và phản ánh hiệu quả chính sách, bài học kinh nghiệm về tổ chức triển khai thực hiện chính sách và trách nhiệm thực thi, đồng thời, kết quả mang lại có ý nghĩa rất lớn về hỗ trợ doanh nghiệp, về thúc đẩytăng trưởng kinh tế cũng như góp phần củng cố niềm tin chính sách và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp trên địa bàn phát triển.
Thứ ba, hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định và tăng trưởng gắn với chiến lược phát triển ngành và đề án cơ cấu lại TCTD và theo xu hướng phát triển của nền kinh tế, với những động lực tăng trưởng mới: kinh tế số, kinh tế xanh. Trong đó các TCTD trên địa bàn tiếp tục chủ động phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ ngân hàng hiện đại, theo yêu cầu về phát triển ngân hàng số. Những hoạt động này, đã trở thành yếu tố khách quan thúc đẩy sự đổi mới và phát triển toàn diện đối với các TCTD: từ quản trị điều hành, quản lý rủi ro đến hoạt động kinh doanh và phát triển các sản phẩm dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện ích, gia tăng dần giá trị đem lại cho chính mỗi TCTD.
Kết quả này, phản ánh bằng thu nhập từ hoạt động dịch vụ; thu nhập từ mở rộng và tăng trưởng khách hàng; từ những tiện ích của hoạt động thanh toán và chi phí đầu vào giảm, nhờ chất lượng tiền gửi và cơ cấu tiền gửi; nhờ khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, kiểm soát được nợ xấu; nhờ ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý và hoạt động dịch vụ… tất cả những lợi ích mang lại đó đã và đang mang dấu ấn của sự đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại, mang đậm dấu ấn của chính sách tiền tệ và đề án thanh toán không dùng tiền mặt của NHTW cùng sự năng động sáng tạo của các TCTD… và là kết quả nổi bật của năm, khi đặt trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
Có thể nói, những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng TP Hồ Chí Minh năm 2024 mang đậm dấu ấn chính sách tiền tệ tín dụng của NHTW, sự lãnh đạo chỉ đạo của NHTW và của UBND thành phố, đồng thời là trách nhiệm thực hiện và hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở ban ngành, quận huyện và hiệp hội ngân hàng, yếu tố quan trọng để cơ chế chính sách phát huy hiệu quả. Đồng thời các yếu tố cạnh tranh, yếu tố công nghệ và chất lượng dịch vụ, hiệu quả công tác quản lý và văn hóa doanh nghiệp… đã trở thành động lực để các TCTD trên địa bàn đổi mới và phát triển, kết quả này góp phần quan trọng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngành: giữ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Theo Dự thảo Báo cáo Tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2024, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2025 của UBND TP HCM cho biết cụ thể về lĩnh vực tài chính - ngân hàng:
Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối năm 2024 ước đạt 3.894.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2023. Trong đó, vốn huy động bằng VND chiếm tỷ trọng khoảng 90%; vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng khoảng 10% so với cuối năm 2023.
Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối năm năm 2024 ước đạt 3.895.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ bằng VND chiếm tỷ trọng khoảng 97%, dư nợ bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng khoảng 3% so với cuối năm 2023.
Tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn: Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố đã thực hiện công tác truyền thông trả lời câu hỏi của báo đài liên quan đến chuyển đổi số và chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện, phường, xã trên địa bàn Thành phố trực tiếp hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tăng cường kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng số an toàn và hiệu quả.
Tình hình dư nợ các chương trình tín dụng: Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN: dư nợ được cơ cấu gốc và lãi đạt 34.336 tỷ đồng với số khách hàng được hỗ trợ đạt 43.705 khách hàng; tổ chức thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp với số tiền đạt 666.985 tỷ đồng cho 197.961 lượt khách hàng, tăng 5% so với tổng số tiền đã thực hiện năm 2023 và vượt 30,82% so với số tiền Gói tín dụng đã đăng ký từ đầu năm; thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản (đã tăng hạn mức lên 60.000 tỷ đồng), doanh số giải ngân lũy kế từ đầu chương trình đạt 3.203 tỷ đồng, dư nợ của các ngân hàng thương mại đến cuối kỳ báo cáo đạt 1.362 tỷ đồng với 2.050 khách hàng; Thực hiện chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, Thành phố có 6 dự án được công bố theo danh mục (đợt 1); trong đó 01 dự án đã được giải ngân theo gói tín dụng này với dư nợ đạt 170,14 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hiện có 394 mã cổ phiếu, 20 mã chứng chỉ quỹ và 62 mã CW được chính thức niêm yết và giao dịch trên HOSE. Tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt 167,5 tỷ chứng khoán với giá trị niêm yết đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 8,2% và 9% về khối lượng và giá trị so với cuối năm 2023. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 819,6 triệu chứng khoán/ngày và giá trị giao dịch bình quân đạt 19.567 tỷ đồng/ngày.
Chỉ số VN-Index kết thúc phiên ngày 20/12/2024 đạt 1.270 điểm, tăng 138 điểm, tương đương tăng 12,3% so với cuối năm 2023 (1.129,93 điểm). (P.V)