Số hóa và mục tiêu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SME) đang nỗ lực khẳng định vai trò trong việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và vươn ra thị trường quốc tế.
Mới đây, báo cáo tham vọng SME lần thứ hai tại Việt Nam, do công ty tài chính của Mỹ, Payoneer thực hiện đã cung cấp những thông tin sâu sát về cách mà các doanh nghiệp này đang đối mặt với những thách thức và đề ra những định hướng cho tương lai.
Ông Vũ Ái Việt, Giám đốc quốc gia của Payoneer tại Việt Nam nhận định: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi đáng kinh ngạc khi vượt qua những thách thức của quá trình toàn cầu hóa.”
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Mỹ, Trung Quốc và Úc là ba thị trường hàng đầu về gửi và nhận thanh toán, đánh dấu một bước tiến trong việc mở rộng quá trình quôc tế hóa của các doanh nghiệp SME Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng được ghi nhận ở nhiều khía cạnh, bao gồm khách hàng mới (64%), đổi mới (62%), và hiệu quả tài chính (57%).
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo và tương lai số hóa đang trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. 26% doanh nghiệp đã sử dụng AI để cải thiện dịch vụ khách hàng, một tỷ lệ phù hợp với mức trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có độ trễ nhất định trong việc ứng dụng AI cho sáng tạo nội dung (19% so với 24% toàn cầu), quản lý hàng tồn kho (15% so với 24%) và bán hàng (21% so với 23%).
Ngoài ra, các SME Việt Nam vẫn cam kết mạnh mẽ với kinh tế địa phương. Khoảng 65% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, trong khi 79% tự tin vào khả năng tăng doanh thu trong 12 tháng tới. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng nền kinh tế địa phương sẽ cải thiện (82%).
Tuy nhiên, dù gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là chi phí kinh doanh cao (44%), khó khăn trong tiếp cận vốn (46%) và tỷ lệ nợ cao (40%). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu các mạng lưới cá nhân hoặc chuyên môn để phát triển.
Trên thực tế, nhiều SME Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn cần thiết để mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. Việc thiếu vốn lưu động có thể dẫn đến gián đoạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cản trở khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, các SME cũng thường thiếu kỹ năng quản lý hiện đại và nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh quốc tế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thích ứng và cạnh tranh của họ trên thị trường nước ngoài. Mặc dù chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nhiều SME Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh. Điều này làm giảm hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thêm vào đó, các SME Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi thị trường quốc tế đều có những quy định và tiêu chuẩn riêng biệt. Việc nắm bắt và tuân thủ các quy định này đòi hỏi SME phải đầu tư thời gian và nguồn lực, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng.
Ngoài ra, nhiều SME cũng gặp khó khăn trong việc thu thập và phân tích thông tin về thị trường và đối tác kinh doanh quốc tế, dẫn đến việc đưa ra các quyết định kinh doanh không chính xác và giảm hiệu quả hoạt động.
Để vượt qua những thách thức này, các SME Việt Nam cần tăng cường năng lực nội tại, đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ và tổ chức liên quan trong việc tiếp cận thông tin và nguồn vốn. Khảo sát của Payoneer cũng chỉ ra rằng 58% doanh nghiệp cho biết chuyển đổi số giúp giảm bớt khó khăn khi thâm nhập thị trường quốc tế, và 77% tin rằng tốc độ thay đổi công nghệ đang thúc đẩy đổi mới.
Nhìn chung, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang đánh dấu vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế quốc gia, không chỉ nhờ khả năng thích nghi đáng kể mà còn nhờ động lực chuyển đổi số. Nhìn về tương lai, việc tăng cường ứng dụng AI và công nghệ số sẽ là chìa khóa giúp SME Việt Nam đạt được tham vọng quốc tế hóa, đồng thời đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.