Đừng để công nghệ “ngắt” kết nối gia đình
Sự phát triển của công nghệ làm thế giới dường như nhỏ lại nhưng khoảng cách giữa người với người xa hơn, ngay các thành viên trong gia đình, kết nối cũng có nguy cơ bị cản trở.
Hình ảnh các thành viên trong gia đình mỗi người “ôm” một cái điện thoại, “thả” mình trên thế giới ảo thay vì thường xuyên tương tác, kết nối trực tiếp với nhau đang ngày càng trở nên phổ biến.
Con dao hai lưỡi của công nghệ
Một người bạn tôi than phiền, con chị cứ về đến nhà là chui vào phòng riêng. Bố mẹ không biết là các cháu đang học hay đang chơi. Thi thoảng vào kiểm tra đột xuất thì chúng bảo bố mẹ không tôn trọng quyền riêng tư. Ở cùng nhà mà nhiều khi bố mẹ phải “kết nối” với bọn trẻ bằng tin nhắn, điện thoại thay vì trực tiếp nói chuyện với chúng.
Thực tế là hầu hết các gia đình hiện đại ngày nay đều đang bị các thiết bị công nghệ chiếm hữu nhiều thời gian. Sau bữa cơm, phần con trẻ thì lao nhanh vào phòng với đủ trò tiêu khiển của mình: nghe nhạc, chơi game, chat với bạn bè, say mê các mạng xã hội như facebook, tiktok,… Phần cha mẹ thì cuốn vào guồng mưu sinh: họp hành online, giao tiếp với đối tác, hoặc đọc báo tìm kiếm thông tin, hoặc chìm đắm trong các trang mạng xã hội…
Ngôi nhà dường như đơn thuần là nơi tạm trú của một nhóm người có chung máu mủ ruột rà. Sự gắn kết chỉ dừng ở mức dùng chung một đường truyền Internet, một chiếc TV, một chiếc tủ lạnh… Mối quan hệ thương yêu, gần gũi giữa từng thành viên không được củng cố, gây ra nhiều hệ luỵ.
Theo báo cáo của Digital Việt Nam 2024, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội. Tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, khi tỉ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%; Việt Nam có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội vào tháng 1 năm 2024, tương đương với 73,3% tổng dân số… Trong số đó có 7% thuộc độ tuổi từ 13 đến 17 và gần 10% thuộc độ tuổi từ 18 đến 24.
Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam 12-13 tuổi sử dụng internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Còn theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5-7 giờ mỗi ngày.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Đại học Lowa (Hoa Kỳ) cách đâu không lâu đã cảnh báo thực trạng trẻ em sử dụng công nghệ quá nhiều gây nên rất nhiều tác động xấu, làm méo mó mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, hạn chế khả năng giao tiếp.
Nghiên cứu này chỉ ra, trong độ tuổi từ 0 đến 2, não của trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần về kích thước. Lời nói, sự tiếp xúc giữa cha mẹ với con cái, thậm chí là quá trình chơi với con, không chỉ giúp não bé phát triển mà còn tăng cường sự gắn kết tình cảm.
Nhưng đối với trẻ dành quá nhiều thời gian để tương tác với màn hình điện thoại, máy tính bảng thì khác. "Liên kết thần kinh của trẻ thay đổi và thay vào đó là một yếu tố khác", bà Denise Daniels, một y tá nhi khoa nói. "Nó ảnh hưởng đến sự tập trung, trong nhiều trường hợp chúng tạo ra bức tường ngăn cách con cái với cha mẹ".
Khi nói chuyện với một người, bạn có thể thấy những biểu hiện trên khuôn mặt họ, như nỗi đau, niềm vui, những trăn trở. Lúc bạn nói xấu một ai đó sau lưng và khi nhìn thấy khuôn mặt họ, có thể bạn sẽ phải suy nghĩ và cảm thấy hối hận.
Nhưng nếu bạn nói chuyện trực tuyến, bạn chẳng thể nhận ra được âm vực, ngôn ngữ cơ thể, những biểu hiện trên khuôn mặt và thậm chí cả những kích thích tố phát ra trong khi giao tiếp mặt đối mặt.
"Đây là tất cả những yếu tố cơ bản để thiết lập các mối quan hệ giữa người với người. Và tất cả chúng đều mất tích cùng với công nghệ hiện đại", nhà tâm lý học Lim Taylor nói. "Trẻ em đang dành quá nhiều thời gian giao tiếp thông qua công nghệ, chúng không phát triển kỹ năng giao tiếp cơ bản mà con người đã sử dụng từ lâu đời. Truyền thông không chỉ là lời nói".
Một nghiên cứu khác tại Mỹ chỉ ra rằng, khi trẻ em được cha mẹ cho sử dụng mạng xã hội nhiều, thời gian tương tác với bạn bè giảm rõ rệt. Nghiên cứu này chỉ ra, số thời gian trẻ dùng để tương tác với bạn bè giảm từ 122 phút/ngày vào năm 2012 xuống còn 67 phút/ngày vào năm 2019. Giảm tương tác ngoài đời thật đồng nghĩa với việc cơ hội để trẻ thực hành các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp thực tế sụt giảm. Đây là giai đoạn bản lề với trẻ khi các em bắt đầu hình thành nhiều nhóm kỹ năng giao tiếp quan trọng.
Trong khi đó, giao tiếp, chia sẻ là chìa khóa để duy trì một gia đình hạnh phúc, bền vững. Giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất tạo nên hạnh phúc gia đình, giúp vợ chồng, con cái hiểu nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn, từ đó xây dựng mối quan hệ bền vững. Giao tiếp không chỉ là chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong ngày, mà còn là lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
Điều chỉnh “liều dùng” như thế nào?
Theo các chuyên gia, ngăn chặn việc sử dụng internet và các thiết bị thông minh là một biện pháp không tưởng trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển trong xã hội. Internet gắn liền với cả lợi ích cũng như tác hại. Điều quan trọng là phải tối ưu hóa việc sử dụng Internet và giảm thiểu rủi ro với sự tham gia của cha mẹ và người chăm sóc với tư cách là người điều phối, cũng như đào tạo để hướng dẫn cho thế hệ trẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một loạt khuyến nghị cho các bậc cha mẹ về việc tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật số của trẻ em ở các nhóm tuổi khác nhau. Trẻ em dưới 5 tuổi không nên dành quá 60 phút mỗi ngày cho các hoạt động thụ động trước màn hình điện thoại thông minh, máy tính hoặc TV. Trẻ em dưới 12 tháng tuổi không nên dành dù chỉ một phút trước các thiết bị điện tử. Mục tiêu là trẻ em trai và trẻ em gái dưới 5 tuổi thay đổi thiết bị điện tử để tham gia các hoạt động thể chất hoặc thực hành liên quan đến tương tác trong thế giới thực, chẳng hạn như đọc và nghe kể chuyện với bố mẹ, người chăm sóc.
Không phải tự nhiên, mà nước Úc mới đây đã thông qua dự thảo luật cấm mạng xã hội với trẻ em dưới 16 tuổi. Quy định này được coi là một trong những biện pháp cứng rắn nhất nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro - vốn không còn tiềm ẩn mà vô cùng rõ ràng, trên mạng xã hội.
Tại Việt Nam, những động thái mà Nhà nước đưa ra mới đây cũng nhằm hạn chế trẻ em lạm dụng thiết bị thông minh để không ảnh hưởng đến chất lượng học tập và đời sống. Theo đó, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Một số quốc gia trên thế giới cũng thí điểm việc này như Hà Lan, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch… cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường từ năm 2018. Thậm chí các quốc gia này quy định người đủ 18 tuổi trở lên mới được phép đăng ký mua sim điện thoại để hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong trường, lớp học.
Ở góc độ trong gia đình, theo các chuyên gia, các thành viên trong gia đình cần xác định một khoảng thời gian nhất định trong ngày cho các thiết bị điện tử. Khi ở nhà, hãy sẵn sàng tách mình ra khỏi các thiết bị thông minh và nói chuyện cởi mở với những người thân yêu.
Có thể nói, những thành tựu đạt được về khoa học, công nghệ, tiện nghi cuộc sống ngày càng được nâng cao. Thế nhưng đi cùng với nó là sự thay đổi lớn về cách nhìn nhận giá trị cuộc sống, về văn hoá ứng xử trong gia đình, cộng đồng. Ngay những nước phát triển nhất ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore… cũng đang phải đối mặt với thực trạng này bị công nghệ chi phối đời sống gia đình, con người xã hội, và đang phải xem xét một cách nghiêm túc khi tìm giải pháp hướng giới trẻ tìm về những giá trị cơ bản của đạo làm người, hướng tới một cuộc sống tích cực và hạnh phúc, góp phần giải quyết những xung đột, mâu thuẩn trong gia đình và xã hội.
Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
- Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
- Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
- Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.
- Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
- Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải.
- Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị.
- Cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.