Vĩnh Phúc điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp FDI và DDI
Từ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, thu hút đầu tư FDI và DDI năm 2024, Vĩnh Phúc ghi nhận con số ấn tượng với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm vượt gần 50% kế hoạch năm.
Mặc dù, năm 2024 nền kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động bởi sự bất ổn chính trị, lạm phát... khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với chiến lược, sự năng động và sáng tạo chính sách thông thoáng, cởi mở, thân thiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã hiện thực hoá mục tiêu trong việc vượt kế hoạch thu hút vốn FDI và lọt vào top 10 địa phương hấp dẫn các doanh nghiệp lớn. Điều này đã minh chứng rõ nét nhất cho những cải cách, nỗ lực vượt bậc của tỉnhVĩnh Phúc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư.
Cụ thể, từ số liệu từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trong năm 2024, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư FDI đạt 600 triệu USD, vượt mục tiêu đề ra và tăng 50% so với kế hoạch. Số liệu này đánh dấu một bước phát triển quan trọng, giúp Vĩnh Phúc duy trì, khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế công nghệ cao, có năng lực tài chính “khủng”.
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Vĩnh Phúc đã cấp mới cho 32 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 190 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 42 dự án với số vốn tăng thêm 400 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 590 triệu USD.
Trong lĩnh vực đầu tư trong nước (DDI), tỉnh đã cấp mới 16 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.554 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với số vốn tăng 1.597 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 5.151 tỷ đồng.
Tính lũy kế đến hết ngày 15/11/2024, trên địa bàn tỉnh có 1.326 dự án, bao gồm 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD và 845 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 145 nghìn tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn trong chiến lược thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc chính là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện – điện tử. Các dự án trong lĩnh vực này không chỉ mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp mà còn giúp tỉnh gia tăng năng lực sản xuất và củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những dự án như của Công ty BH Flex tại KCN Khai Quang hay Korea Circuit Vina tại Cụm công nghiệp Đồng Sóc đã minh chứng rõ ràng cho chiến lược này. Những dự án FDI và DDI thu hút được trong năm 2024 đều là các dự án công nghệ, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như: Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH BH Flex tại KCN Khai Quang, tăng tổng vốn đầu tư lên 75 triệu USD; Dự án trung tâm dữ liệu HN03 của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT với tổng vốn đầu tư hơn 1.121 tỷ đồng; Dự án sản xuất chip bán dẫn của Công ty cổ phần Signetics, đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh…
Đây là những bước đột phá quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Dự kiến đến hết năm 2024, tỉnh sẽ có thêm khoảng 31 dự án FDI hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 211 triệu USD. Đáng chú ý, có đến 18 trong số 31 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử, một ngành có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp công nghệ cao.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử hiện được xem là một trong những trụ cột chính của chiến lược phát triển công nghiệp tại tỉnh. Việc có thêm nhiều dự án mới trong lĩnh vực này sẽ không chỉ nâng cao năng lực sản xuất của địa phương mà còn gia tăng giá trị cho các sản phẩm công nghiệp, qua đó củng cố vị thế của tỉnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các dự án này dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm mới cho lao động địa phương, cải thiện thu nhập và chất lượng sống của người dân.
Theo ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc thì, nét mới của Vĩnh Phúc là hình thức xúc tiến đầu tư nước ngoài không tổ chức theo quy mô lớn, đối tượng chung chung, mà theo ngành, lĩnh vực, dự án cần kêu gọi và tùy thuộc vào thế mạnh của mỗi nước. Tỉnh luôn ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, hạn chế những dự án sử dụng nhiều đất, giá trị gia tăng thấp; kiên quyết không thu hút những dự án sử dụng quá nhiều năng lượng, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để tránh gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Tỉnh đã xây dựng danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo từng thời kỳ, giai đoạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh qua mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, của Tỉnh...