Kinh tế địa phương

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên: 20 năm cùng doanh nhân, doanh nghiệp vượt khó

Kim Dung - Vũ Phường 25/12/2024 09:45

Trải qua nhiều thăng trầm, Hiệp hội Doanh nghiệp ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu vì sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên trong 20 năm qua.

Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Hưng Yên đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ là đại diện, cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Qua đó, kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân; tạo dựng, vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, tương trợ lẫn nhau; động viên, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp.

nhận Bằng khen TTg
HHDN tỉnh Hưng Yên đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập. Ảnh: Vũ Phường

Đối diện nhiều khó khăn, thách thức

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch HHDN tỉnh Hưng Yên, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thiên tai, lũ lụt, đặc biệt cơn bão số 3 (bão Yagi) đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong khi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mặc dù đã phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Giá nguyên, nhiên vật liệu biến động, lãi suất cho vay còn cao, thị trường bất động sản tuy “ấm dần” nhưng vẫn còn khá ảm đạm; nhiều bất cập trong các quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa được tháo gỡ; chính sách, pháp luật có nhiều điểm mới ảnh hưởng tới quá trình thực thi,…

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch thường trực HHDN tỉnh Hưng Yên, Giám đốc công ty TNHH SX và TM Thanh Tùng cho rằng, năm 2024, các doanh nghiệp ngành gạch men trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng do sự trầm lắng của thị trường bất động sản và áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Sự chững lại của thị trường xây dựng trong nước, với hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ hoặc triển khai chậm, đã khiến nhu cầu gạch men giảm mạnh, dẫn đến tình trạng tồn kho lớn và giảm doanh thu. Trong khi đó, các sản phẩm từ Ấn Độ và Trung Quốc có lợi thế về giá thành thấp, mẫu mã đa dạng và chính sách xuất khẩu ưu đãi, tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt lên doanh nghiệp Việt Nam. Trước tình hình này, các doanh nghiệp trong nước cần tập trung vào đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm kiếm thị trường mới để giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu nội địa.

Thanh Tùng
Nhà máy sản xuất kẽm oxit – nguyên liệu đầu vào ngành gạch men của công ty TNHH Thanh Tùng. Ảnh: Vũ Phường

Còn theo ông Hoàng Văn Hiền, Phó Chủ tịch HHDN tỉnh, Giám đốc công ty ô tô – xe máy Hoàng Hiền: trong năm 2024, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô và xe máy trong nước đối mặt với nhiều khó khăn do sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng từ lạm phát và thắt chặt tín dụng. Tình hình kinh tế không ổn định khiến người dân hạn chế chi tiêu vào các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có ô tô và xe máy. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao, cạnh tranh từ các hãng nước ngoài, cùng với sự chuyển đổi sang các dòng xe điện và các yêu cầu khắt khe về môi trường cũng tạo thêm áp lực lớn.

Tuy nhiên, bước sang năm 2025, thị trường được kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, như giảm thuế, kích cầu tiêu dùng và phát triển hạ tầng giao thông. Đồng thời, sự phục hồi của nền kinh tế và việc người tiêu dùng dần quay lại với các kế hoạch mua sắm lớn sẽ tạo động lực để doanh nghiệp ngành này tăng trưởng trở lại.

Đại diện doanh nghiệp ngành may, ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc công ty CP Tiên Hưng – Phó Chủ tịch HHDN tỉnh Hưng Yên cho rằng: trong năm qua, các doanh nghiệp ngành may Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất kinh doanh do tác động từ thị trường xuất khẩu và chi phí sản xuất tăng cao. Suy thoái kinh tế ở các thị trường lớn như Mỹ và EU đã khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, dẫn đến sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt là ở phân khúc hàng may mặc giá rẻ. Ngoài ra, chi phí lao động và nguyên liệu tăng lên, cùng với áp lực cạnh tranh từ các quốc gia có chi phí thấp hơn như Bangladesh và Ấn Độ, đã làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển dịch sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn, đầu tư vào sản xuất bền vững và ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thị trường mới và tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ giúp ngành may Việt Nam từng bước ổn định và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

Đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và phát triển hiệu quả, hiệp hội đã và đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, góp phần vào sự thịnh vượng chung của tỉnh.

Lãnh đạo huyện Văn Lâm trả lời các kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp
HHDN tỉnh lập Đoàn khảo sát về tình hình phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn huyện Văn Lâm để kịp thời lắng nghe doanh nghiệp – chính quyền. Ảnh: Vũ Phường

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Việt Anh đánh giá: Hiệp hội là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp giao tiếp, hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua các cuộc họp, hội thảo và diễn đàn, hiệp hội lắng nghe và phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị giải pháp. Điều này không chỉ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng HHDN tỉnh Hưng Yên – ông Trần Văn Thạch: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội là tham gia đóng góp với các cơ quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, đô thị, đất đai, đầu tư, phòng cháy, chữa cháy... Hiệp hội đã chủ động đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh, các ngành chức năng tổ chức gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó thu hút đông đảo các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh tham gia.

Cơ bản các ý kiến đóng góp đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu nghiêm túc. Bên cạnh đó, Hiệp hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

7.jpg
HHDN tỉnh phối hợp cùng Công an tỉnh Hưng Yên tổ chức đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp tháng 7/2024

Đồng thời, Hiệp hội đã phối hợp tốt với các cơ quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ,… tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản trị kinh doanh, pháp luật và chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Thường xuyên thông tin về thị trường, hội chợ, triển lãm để các hội viên có nhu cầu tham gia.

Cũng theo ông Thạch, HHDN tỉnh Hưng Yên không chỉ là nơi tập hợp các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau trong kinh doanh mà còn là nơi lan tỏa tinh thần trách nhiệm xã hội. Hiệp hội đã phát động nhiều chương trình thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc phát triển cộng đồng.

20 năm qua, với những hoạt động tích cực, HHDN tỉnh Hưng Yên xứng đáng là nơi kết nối và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh. Với vai trò là “người bạn đồng hành” đáng tin cậy, HHDN đang góp phần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Hưng Yên năng động, sáng tạo và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Kim Dung - Vũ Phường