Kinh tế địa phương

Hưng Yên: Tháo gỡ “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng

Duy Phường - Kim Dung 25/12/2024 11:36

Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn đối với thực hiện các dự án đầu tư. Việc tháo gỡ “điểm nghẽn” sẽ tạo niềm tin của doanh nghiệp với chính quyền và là động lực phát triển.

Tỉnh Hưng Yên đang trên đà phát triển mạnh mẽ, là “địa chỉ đỏ” về thu hút đầu tư tư nhân. Điều này đặt ra thách thức lớn tới công tác giải phóng mặt bằng – vốn được coi là khâu rất quan trọng trong tiến trình thực hiện các dự án.

CCN Chính Nghĩa
Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên luôn chú trọng công tác GPMB để tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ (Trong ảnh: Cụm công nghiệp Chính Nghĩa, huyện Kim Động. Ảnh: Vũ Phường)

Quyết liệt giải phóng mặt bằng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân và sự nỗ lực của các chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã thu được những kết quả tích cực.

Năm 2022, Hưng Yên đã GPMB được 1.362,66 ha; năm 2023 giải phóng 2.417,32 ha (cao gấp 1,8 lần so với năm 2022). Năm 2024 (tính đến 30/11/2024), tỉnh GPMB được 936,28 ha. Do đó, 3 năm qua, tỉnh đã tiến hành khởi công nhiều khu công nghiệp lớn, mang tính động lực cho phát triển kinh tế - xã hội như: khu công nghiệp Sạch, khu công nghiệp số 3, khu công nghiệp số 5, khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3. Và loạt các cụm công nghiệp quan trọng gồm: Minh Khai, Quảng Lãng - Đặng Lễ, Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân, Trần Cao – Quang Hưng cùng nhiều công trình, đường giao thông quan trọng (đường nối 2 cao tốc, đường Tân Phúc – Võng Phan, đường trục Hưng Yên – Hà Nội,…).

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên – ông Nguyễn Đức Kiền cho rằng, đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác GPMB nhờ tỉnh áp dụng đồng bộ các giải pháp hiệu quả và minh bạch. Trong đó, “bí quyết” đi tới thành công chính là luôn đặt lợi ích của người bị thu hồi đất lên hàng đầu.

GĐ sở
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên – Nguyễn Đức Kiền trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp. Ảnh: Vũ Phường

Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tỉnh luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; kịp thời hỗ trợ tái định cư cho những người bị ảnh hưởng theo đúng các quy định của pháp luật; có cơ chế ưu tiên cho người bị thu hồi đất. Lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại công khai để giải thích quy hoạch, lắng nghe ý kiến và giải đáp thắc mắc của người dân. Thành lập các tổ công tác để xử lý nhanh chóng các khiếu nại, kiến nghị liên quan đến bồi thường, tái định cư.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được coi trọng và tăng cường thực hiện để người dân hiểu được các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và thấy rõ được tầm quan trọng của dự án. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác bồi thường, GPMB, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Tổ hợp Cụm Công nghiệp Kim Động - Đặng Lễ - Chính Nghĩa do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên làm chủ đầu tư. Tổ hợp gồm 3 cụm công nghiệp có tổng diện tích 225ha được chia thành 3 phân khu là cụm công nghiệp Kim Động, cụm công nghiệp Đặng Lễ và cụm công nghiệp Chính Nghĩa. Trong đó, mỗi cụm có diện tích 75 ha với tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng, nằm trên địaphận 2 huyện Ân Thi và Kim Động.

Ông Trần Đình Quân, Giám đốc kinh doanh công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo, các vướng mắc về mặt bằng được giải quyết nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

“Chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện dự án, từ đó tạo dựng niềm tin và thúc đẩy dự án phát triển đúng tiến độ, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của tỉnh Hưng Yên”, ông Trần Đình Quân nói.

Nhận định “điểm nghẽn” để tháo gỡ

Từ thực tế công tác GPMB thời gian qua, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên nhận định, công tác đền bù, GPMB còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được “hóa giải” kịp thời.

Theo ông Nguyễn Đức Kiền, đầu tiên đó là chính sách pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi qua các thời kỳ. Luật đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới so với Luật đất đai năm 2013, các cơ quan chấp hành pháp luật cần có thời gian để nghiên cứu kĩ lưỡng cũng như áp dụng sao cho đúng quy định, tránh trường hợp sai sót có thể xảy ra ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật của một số bộ phận Nhân dân còn hạn chế, chưa chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bồi thường, GPMB; có trường hợp cố tình đòi được bồi thường ngoài đơn giá quy định hoặc đòi được thỏa thuận như trường hợp nhận chuyển nhượng đất.

Ông Kiền thẳng thắn cho rằng, tiến độ giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm so với kế hoạch; việc xây dựng các khu tái định cư đất ở, nghĩa trang, đất tái bố trí mặt bằng sản xuất kinh doanh của một số huyện, thị xã, thành phố triển khai còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về cơ chế chính sách, dẫn đến người dân chậm bàn giao mặt bằng cho dự án.

Đồng thời, nguồn gốc đất phức tạp, một số nơi còn khó khăn trong việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng, đối với đất do chính quyền địa phương giao trái thẩm quyền trước đây thường không có đủ giấy tờ, các hộ dân không xuất trình những giấy tờ liên quan; Hồ sơ địa chính, hồ sơ giao ruộng và thực tế sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân có nhiều sai khác nên việc quy chủ sử dụng đất mất nhiều thời gian, nên ảnh hưởng tới tiến độ GPMB.

Lãnh đạo huyện Ân Thi kiểm tra việc chi trả tiền bồi thường đất thu hồi thực hiện dự án tại xã Quang Vinh
Nhân dân huyện Ân Thi nhận tiền đền bù đất thu hồi tại dự án cụm công nghiệp Vân Du – Quang Vinh

Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ngành Tài nguyên và Môi trường cùng với các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thông báo, Kết luận của Ban chỉ đạo các dự án công trình trọng điểm tỉnh. Thường xuyên nắm tình hình, dư luận xã hội, tư tưởng và nguyện vọng của người dân có đất bị thu hồi; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, quán triệt cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về đất đai, GPMB, triển khai các dự án đầu tư.

Các cấp ủy, chính quyền, các ngành tăng cường phối hợp chặt chẽ, chủ động, kịp thời trong phát hiện, xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công atcs thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra chậm trễ, ách tắc trong giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.

Duy Phường - Kim Dung