Ngành Tư pháp Hưng Yên: góp phần cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch
Ngành Tư pháp tỉnh Hưng Yên đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, chú trọng xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Chung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên, Sở đã kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch… theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; trong đó chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về đẩy mạnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh PCI, nhất là các Chỉ số thành phần thuộc nhiệm vụ của ngành Tư pháp.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Ngay từ đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến công tác cải cách thể chế kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đúng nội dung, tiến độ, có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) phù hợp, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng đặc thù theo quy định Luật PBGDPL.
Bằng nhiều giải pháp cụ thể; đồng thời tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý….
Năm 2024, Sở Tư pháp đã thực hiện rà soát thường xuyên đối với 841 văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh, đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đối với 16 văn bản QPPL; các sở, ngành và 10 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến được 1.100 cuộc cho 134.145 lượt người, cấp phát miễn phí 1.025.690 tài liệu PBGDPL; tổ chức 11 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 12.203 người dự thi...
Việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND các cấp về cơ bản đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL. Các chủ trương chính sách của tỉnh đã được thể chế hóa, bằng Nghị quyết, Quyết định QPPL một cách kịp thời, đồng bộ với văn bản của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh mới ban hành, các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Luật PBGDPL và các Chương trình, Đề án về PBGDPL bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không trùng lắp và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, nhất là công trác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhất là các lĩnh vực liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp như: tài chính, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư, cấp giấy phép, quy hoạch, xây dựng; công nghiệp; giao thông; lao động, việc làm… nhằm phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo hoặc những quy định không còn phù hợp với tình hình KT-XH để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp.
Đối với Chỉ số về Thiết chế pháp lý, Tính minh bạch, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các văn bản QPPL của tỉnh lên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về văn bản QPPL, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
Đồng thời, đôn đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh kịp thời cập nhật văn bản QPPL chuyên ngành lên Trang thông tin điện tử của từng sở, ngành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu khi có nhu cầu.
Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các tài liệu, dịch vụ công phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các công chức, viên chức của Sở thường xuyên nắm bắt các phản ánh, kiến nghị hoặc những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiếp cận các nội dung trong chỉ tiêu thành phần tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì, để kịp thời phối hợp với các đơn vị giải quyết hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đối với chỉ tiêu Tiếp cận tài liệu pháp lý, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, trình UBND tỉnh phê duyệt; trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp với quy định của pháp luật.
Đổi mới và hoàn thiện
Ông Nguyễn Đình Chung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, những nỗ lực của Sở Tư pháp Hưng Yên đã góp phần đưa Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (năm 2023) của tỉnh Hưng Yên đạt 8,09 điểm, tăng 0,06 điểm, xếp thứ 6 toàn quốc, tăng 4 bậc (nhóm Tốt). Ngành Tư pháp tỉnh xác định mục tiêu: Luôn đồng hành cùng người dân - doanh nghiệp nhanh nhất, chính xác nhất, hiệu quả nhất.
Để cải thiện hiệu quả chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, căn bản phải tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về chỉ số PCI; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đúng nội dung, đảm bảo tiến độ, thời hạn và hiệu quả.
Ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Tập trung nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến do Bộ, ngành Tư pháp cung cấp lên mức độ toàn trình và thực hiện có hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý. Đồng thời, Chú trọng đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp;...
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục tham mưu, tập trung thực hiện các giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh về Chỉ số PCI. Qua đó, mỗi công chức, viên chức đều có thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trên nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đóng góp cho sự nghiệp phát triển toàn diện của tỉnh Hưng Yên.