Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, chiều 25/12.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng. Thể chế là nguồn lực, động lực phát triển; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, ngược lại thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển. Hoàn thiện thể chế sẽ góp phần đắc lực thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
![theche.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2024/12/26/theche.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt được 2 mục tiêu 100 năm.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, phát hiện các quy định vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thực tiễn để kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các đạo luật hiện hành.
Tại Kỳ họp thứ 8, ngoài 9 luật đã được Chính phủ trình Quốc hội theo quy trình 2 kỳ họp, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình 7 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết quan trọng, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 01 kỳ họp.
Đây là những văn bản quan trọng, quy định nhiều chính sách mới, đột phá, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống KTXH, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, những "điểm nghẽn" về thể chế, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.
Đặc biệt, việc thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Dữ liệu... đã hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển bứt phá của đất nước.
Chính phủ đã chủ động tăng cường chất lượng xây dựng pháp luật, đã tổ chức 11 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 54 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, pháp lệnh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, cơ chế phối hợp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Trong quá trình chỉ đạo, xây dựng các dự án luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chủ động, kịp thời báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về các vấn đề phát sinh, vấn đề lớn, quan trọng trong các dự án luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để khắc phục tình trạng "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu,… làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực (về con người, tài chính, cơ sở vật chất) cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ làm công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết để sớm đưa các quy định của luật, nghị quyết vào cuộc sống (tích cực khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết).
Đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn; tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến; các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng cũng đã tích cực vào cuộc, góp phần lan tỏa các chính sách đến với người dân, doanh nghiệp. Luôn lắng nghe, phản hồi các ý kiến giám sát, phản biện, góp ý của cử tri, đồng bào, những nhà khoa học, người làm luật, những nhà hoạt động thực tiễn.