Bình Phước: Điểm đến đầu tư
Với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, cùng với chính sách thu hút đầu tư linh hoạt... Bình Phước đang là điểm đến của các nhà đầu tư.
Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Mi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước với DĐDN.
Ông Trần Văn Mi cho biết, với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, quỹ đất dồi dào, cùng với chính sách thu hút đầu tư linh hoạt, lợi thế về nguồn nhân lực, Bình Phước đang là điểm đến của các nhà đầu tư.
- Ông có thể phác thảo đôi nét về tình hình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua?
Thời gian qua, Bình Phước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước ước đạt 8,7%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra 8-8,5%). Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 38.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,1% so với năm 2023. Hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao với 14,41%, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Công tác phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã đạt kết quả khả quan.
Năm 2024, toàn tỉnh có gần 1.200 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 14.456 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 13.000 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 206.753 tỷ đồng.
- Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của Vùng Đông Nam Bộ. Để triển khai quy hoạch, Bình Phước sẽ ưu tiên, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong những lĩnh vực nào, thưa ông?
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Để đạt mục tiêu này, Bình Phước đang tăng cường xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 13, 14, ĐT741 kết nối liên vùng Đông Nam bộ - Tây Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư...
Về phương hướng chung, Bình Phước sẽ phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: Chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin… chú trọng nâng cao trình độ công nghệ; mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.
Về công nghiệp, tỉnh ưu tiên thu hút dự án về công nghiệp chế biến sâu theo hướng cụm ngành; phát triển 03 nhóm ngành chủ lực gồm chế biến điều, cao su - gỗ và thực phẩm. Các dự án công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nhằm hình thành một số cơ sở sản xuất đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế. Tỉnh cũng tập trung thu hút các dự án công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng…
Bình Phước cũng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ. Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, lợi thế cạnh tranh như: Cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái....
Thương mại - dịch vụ tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics. Thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn...
Về du lịch, tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, nhất là nhà đầu tư về hạ tầng và vận hành các cơ sở du lịch; xây dựng khách sạn 4-5 sao, sân golf; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế, nhất là tuyến du lịch kết nối với Campuchia, Lào, Thái Lan.
- Vậy đâu là các giải pháp mang tính đột phá phát triển của tỉnh thưa ông?
Để đạt các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ưu tiên 3 đột phá phát triển, cụ thể:
Thứ nhất, về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thứ hai, về phát triển nguồn nhân lực, tỉnh ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng an sinh xã hội để ổn định và phát triển lâu dài …. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.
Bình Phước tiếp tục tập trung cao độ trong cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện phương châm nền tảng “4 tốt” để trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
- Trân trọng cảm ơn ông!