Nâng tầm công nghệ cho sản xuất
Việt Nam đang đứng trước kỷ nguyên vươn mình với tiềm năng tăng trưởng từ sản xuất giá trị cao, kết hợp giữa công nghệ và lao động ngày càng lành nghề.
Trong cuộc trao đổi với DĐDN, ông Matt Kantrud, Tổng Giám đốc Polaris Việt Nam và Northstar Precision Việt Nam, một tập đoàn sản xuất ô-tô xe máy của Mỹ, cho rằng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia công nghệ cao, Việt Nam cần có chiến lược đầu tư bài bản vào giáo dục, phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng doanh nghiệp nội địa.
- Ông có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm về cải thiện năng suất và tối ưu hóa quy trình sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh chi phí nhân công và vật liệu tăng cao?
Tôi nghĩ cần có một sự cân bằng cần thiết giữa công nghệ và lao động, đặc biệt là trong ngành lắp ráp ô tô. Trên thực tế, chúng tôi không chỉ chọn Việt Nam vì chi phí lao động thấp, dù đây là một lợi thế quan trọng. Việt Nam có vị trí chiến lược, gần các chuỗi cung ứng lớn và các tuyến đường vận chuyển quốc tế. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí hậu cần, thiết bị, xây dựng và cả lao động lành nghề.
Các nhà máy Indian Motorcycles của Polaris là một ví dụ tiêu biểu cho việc kết hợp công nghệ với lao động trực tiếp – tôi gọi đây là công nghệ tầm trung. Tại các cơ sở của chúng tôi, bạn sẽ thấy robot, dây chuyền tự động hóa và các camera sử dụng mạng nơ-ron để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đây là những khoản đầu tư lớn, và trên thực tế chúng tôi đã tích hợp một số công nghệ AI vào hệ thống điều hành.
- Theo ông, đâu là khó khăn chính của các công ty nước ngoài khi muốn áp dụng tự động hóa rộng rãi trong quy trình sản xuất tại Việt Nam?
Theo tôi, quy mô thị trường có thể là một lý do. Trong ngành lắp ráp ô tô, chúng tôi vẫn sẽ duy trì lao động trực tiếp trong tương lai gần, vì một số quy trình tự động hóa hiện tại có chi phí đầu tư quá cao.
Ví dụ, khi cân nhắc giữa xe chở hàng tự hành (AGV) và xe điều khiển thủ công (MGV), chúng tôi thấy sự khác biệt lớn về chi phí và cách vận hành. AGV được điều khiển hoàn toàn bằng PLC (Programmable Logic Controller), hoạt động theo thời gian và lộ trình lập trình trước, không cần con người can thiệp. Điều này mang lại độ chính xác cao nhưng chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Trong khi đó, MGV do con người điều khiển có chi phí thấp hơn đáng kể. Hiện tại, chúng tôi chưa tìm thấy lý do kinh doanh thuyết phục để đầu tư vào mức độ tự động hóa cao như vậy.
- Ông đánh giá thế nào về năng lực cung ứng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam trong quá trình sản xuất của Polaris?
Việt Nam có nhiều SMEs có năng lực cao, có thể sản xuất dụng cụ, thiết bị, dây chuyền phù hợp với yêu cầu của chúng tôi, thậm chí chế tạo cả robot được sử dụng trong nhà máy. Gần đây, Polaris đã xây dựng một cơ sở mới tại Việt Nam, được trang bị dây chuyền động cơ và các thiết bị hiện đại. Chỉ 2-3 năm trước, chúng tôi cũng vừa hoàn thành lắp đặt một dây chuyền sản xuất xe máy. Theo tôi, đây là lợi thế lớn của Việt Nam về chi phí cơ hội trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Thay vì nhập khẩu dụng cụ, trang thiết bị từ các quốc gia khác, chúng tôi có thể tìm thấy chuỗi cung ứng ngay tại đây.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều sẵn sàng. Một số thiết bị chuyên dụng vẫn cần phải nhập khẩu. Ví dụ, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà sản xuất hệ thống phanh đạt chuẩn. Một số loại thiết bị rất cụ thể mà Polaris coi trọng vẫn chưa có đối tác nào tại Việt Nam đáp ứng được. Tương tự, các máy thử động cơ đạt chuẩn chất lượng cũng phải nhập khẩu từ Đức hoặc Pháp. Dù vậy, nhìn chung các SMEs ở Việt Nam đã hợp tác và đáp ứng nhu cầu của Polaris rất tốt.
- Khi thu hút đầu tư vào sản xuất phức tạp và tinh vi hơn, theo ông, Việt Nam nên ưu tiên những bước đi nào?
Tôi muốn nhấn mạnh ba yếu tố: giáo dục, kinh nghiệm và thời gian. Việt Nam muốn trở thành quốc gia công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, đây là một chiến lược tuyệt vời. Nhưng điều đó không thể xảy ra trong một sớm một chiều.
Trước hết, hãy bắt đầu với giáo dục. Nếu không có nền tảng giáo dục vững chắc trong ngành công nghệ cao, bạn chỉ có thể thực hiện các công việc ở mức công nghệ trung bình, bởi vì bạn chưa được đào tạo để xử lý các công việc phức tạp hơn. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ chiến lược phát triển công nghệ cao.
Thứ hai, cần áp dụng tính “độc quyền chiến lược” trong lựa chọn đầu tư. Điều này liên quan đến việc tính toán và chọn lọc lĩnh vực phù hợp. Bạn không thể nói “có” với mọi thứ vì nguồn lực về vốn, nhân lực và đất đai đều có hạn. Nếu dành quá nhiều nguồn lực cho công nghệ thấp, bạn sẽ đánh mất cơ hội phát triển công nghệ cao.
Cuối cùng, nếu Việt Nam muốn phát triển các ngành công nghệ cao, chẳng hạn như bán dẫn, thì cần lập kế hoạch cụ thể về nguồn lực, nhân lực và đào tạo. Nguy cơ đầu tiên là không đủ nhân tài. Nguy cơ thứ hai là phải trả chi phí cao hơn để thu hút và giữ chân những người có năng lực.
Trong mọi ngành, đầu tư phải được lên kế hoạch kỹ lưỡng và đảm bảo có năng lực thực hiện. Nếu không, bạn sẽ làm mất cân bằng toàn bộ hệ thống.
- Trân trọng cám ơn ông!