Bình Phước: Xây dựng nền tảng số hiện đại, đồng bộ
Bình Phước đã và đang nỗ lực xây dựng nền tảng số hiện đại, đồng bộ, tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, từ chính quyền số, kinh tế số đến xã hội số.
Bình Phước đang phấn đấu trở thành một trong những địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh tế.
Bình Phước xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Ngày 18/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Trên cơ sở Nghị quyết, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện…
Đến nay, tỉnh đã đạt nhiều thành tựu về chuyển đổi số, làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh CĐS để phát triển chính quyền số gắn với cải cách TTHC. Tỉnh đã triển khai thành công trục kết nối dữ liệu liên thông; Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 2.405 dịch vụ công, trong đó 1.366 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; chất lượng cung cấp dịch vụ công xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Hệ thống thông tin một cửa điện tử triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp huyện, cấp xã, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết TTHC.
Hạ tầng số đã tạo lập được kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, 100% số cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc đều được thực hiện trên môi trường số ở cả 3 cấp. 100 TTHC được số hóa, tích hợp và chia sẻ dữ liệu lên cổng dịch vụ công quốc gia.
Với sự góp mặt của mạng 5G, hạ tầng số của tỉnh hiện có 2.075 trạm phát sóng, trong đó 2.075 trạm 4G, gần 100 trạm 5G và mạng lưới cáp quang số hóa toàn tỉnh với hơn 95 ngàn km, nâng tốc độ truy nhập mạng internet trung bình của tỉnh đạt 54,2 Mbps, đạt mức bình quân chung của cả nước.
Đối với kinh tế số, Bình Phước đã đạt được nhiều bước tiến trong hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến nhờ tăng tốc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh. 100% siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế… trên địa bàn tỉnh đều có thiết bị thanh toán trực tuyến.
Hiện nay, tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về công nghệ số đang hoạt động. Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đã giới thiệu 390 sản phẩm. Tỷ trọng kinh tế số của tỉnh đã đạt 10% GRDP, tạo động lực lớn cho sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế.