Kinh tế địa phương

Bình Phước: Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ

Trí Dũng 28/12/2024 17:37

Tỉnh Bình Phước đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng cường kết nối các khu kinh tế động lực của tỉnh...

Động thổ dự án xây dựng cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua Bình Phước)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự lễ động thổ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải “đi trước một bước” theo hướng “đồng bộ, hiện đại và hiệu quả”.

Tỉnh Bình Phước đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng cường kết nối các khu kinh tế động lực của tỉnh, thúc đẩy liên kết vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, là cửa ngõ giao thương kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có chiều dài biên giới khoảng 260km với Campuchia. Với vị trí địa lý trên, Bình Phước có nhiều điều kiện để phát triển hạ tầng giao thông nhằm tăng khả năng vận tải nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế.

Những năm qua, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Phước tập trung đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác bảo trì hệ thống đường trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành thực hiện hiệu quả, hướng tới những giải pháp duy trì và kéo dài tuổi thọ công trình. Đến nay, tỉnh Bình Phước có hơn 2.855 tuyến đường với tổng chiều dài 9.110 km, trong đó các tuyến giao thông huyết mạch và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa gần 100%.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải “đi trước một bước” theo hướng “đồng bộ, hiện đại và hiệu quả”.

Trong đó, các tuyến đường đối ngoại, kết nối vùng, kết nối nội tỉnh là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bình Phước sẽ tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm, tăng cường kết nối với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ như: Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); dự án Quốc lộ 14C kết nối Đắk Nông với Bình Phước qua Tây Ninh và các tỉnh Tây Nam Bộ; dự án kết nối Bình Phước với Đồng Nai và Sân bay quốc tế Long Thành, khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các tuyến đường chiến lược nội tỉnh sẽ tăng cường khả năng kết nối giữa các trung tâm huyện, thị, các khu công nghiệp, hỗ trợ phát triển cho các khu vực trọng điểm của tỉnh.

Dự kiến cuối năm 2026, tỉnh sẽ hoàn thành cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Sau khi các tuyến giao thông này được đưa vào khai thác sẽ rút ngắn khoảng cách từ Bình Phước tới TP. Hồ Chí Minh còn khoảng 70km, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển đến cảng biển, sân bay, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ vào năm 2030.

Trí Dũng