Xây dựng thương hiệu ngành du lịch: Cần đẩy mạnh marketing số
Để xây dựng thương hiệu ngành du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh marketing số để thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam...
Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, 11 tháng năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 16 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm 2024, Việt Nam đón khoảng 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 35% so với 2023 và bằng 94-97% của năm 2019. Khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2024 ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Trong đó, thị trường châu Á đóng góp gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Riêng 4 thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đóng góp gần 60%. Tính ra, năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 5 triệu lượt (từ 12,6 triệu lượt năm 2023 lên 17,5 triệu lượt).
Và tại Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: Năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Để hiện thực hóa được điều này, không ít ý kiến cho hay, để xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch, bên cạnh những cơ chế, chính sách tạo động lực thu hút đầu tư, cần tận dụng lợi thế của mạng xã hội để đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong việc định hình hình ảnh du lịch bền vững, ông Nguyễn Ngọc Bích - Chủ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group cho rằng, khách du lịch ngày càng ưu tiên các điểm đến thân thiện với môi trường, yêu cầu sự minh bạch trong thông tin và các sáng kiến bền vững từ địa phương.
Để xây dựng thương hiệu du lịch, cần kể những câu chuyện chân thực và cuốn hút về các sản phẩm, đồng thời phát triển chiến lược quảng bá chung giữa ngành du lịch và hàng không. Ngoài ra, cần đẩy mạnh marketing số, sử dụng KOLs và hợp tác với các tổ chức truyền thông quốc tế để tăng độ nhận diện thương hiệu.
Còn theo TS Trịnh Lê Anh - Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong nghiên cứu học thuật cũng như tổng kết thực tiễn về câu chuyện thương hiệu du lịch của quốc gia tập trung vào một số điểm quan trọng: tài nguyên và hình ảnh điểm đến; chính sách và quản lý du lịch, trong đó có cam kết của Chính phủ về việc mở rộng và chào đón khách; câu chuyện trải nghiệm thực tế của du khách; truyền thông và quảng bá; yếu tố an toàn, ổn định chính trị...
“Lâu nay mọi người vẫn cho rằng, điểm quan trọng số 1 phải là tài nguyên và hình ảnh điểm đến. Cá nhân tôi cho rằng, đến bây giờ cần thay đổi quan điểm. Không nên cứ nhấn mạnh rằng tài nguyên và hình ảnh điểm đến là số 1 nữa.
Thay vào đó, câu chuyện về sự cam kết của Chính phủ và thái độ hiếu khách của người dân trên thực tế, tức là hành vi thực tế được cam kết bởi Chính phủ và người dân sở tại là yếu tố quan trọng nhất. Yếu tố trải nghiệm thực tế của du khách cùng với tài nguyên và hình ảnh điểm đến mới tạo nên thương hiệu du lịch bền vững trong thời đại mới. Các yếu tố còn lại cần được xếp sau”, TS Trịnh Lê Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho hay, để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, ngoài yếu tố tiềm năng và hạ tầng của điểm đến, thì chính sách thu hút đầu tư có vai trò vô cùng quan trọng.
Trao đổi tại Hội thảo khoa học “Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam” mới đây, ThS Đặng Thị Giang - Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đề xuất, Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là với các địa bàn trọng điểm; tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển du lịch... khuyến nghị một số giải pháp liên quan khung pháp lý để kích cầu đầu tư du lịch.
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, được khuyến khích đầu tư và là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công - tư; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng có chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước cho các dự án đầu tư phát triển du lịch...
Liên quan đến vấn đề này, ThS Nguyễn Thị Huyền Trang - Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị, Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cải thiện thủ tục hành chính, giảm thuế và các rủi ro liên quan; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút họ đầu tư vào ngành du lịch của nước ta...