Kinh tế địa phương

Phát triển Thành phố Hưng Yên thông minh, hiện đại

Kim Dung - Vũ Phường 24/12/2024 3:31

Hướng tới trở thành đô thị loại II vào năm 2025, thành phố Hưng Yên đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ, cải thiện diện mạo đô thị theo hướng hiện đại, thông minh.

Ông Nguyễn Khả Phúc, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cho biết, Đảng bộ thành phố Hưng Yên xác định rõ mục tiêu phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các khu vực trong thành phố, đặc biệt là các phường đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. TP Hưng Yên xác định kinh tế xương sống là dịch vụ, du lịch và dịch vụ đô thị, xây dựng TP Hưng Yên phồn thịnh, giàu mạnh.

tphy_18_12.jpg
Ngày 18/12, HĐND thành phố Hưng Yên khóa XXII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành kỳ họp thứ 18 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2025. ảnh BHY

Phát triển đô thị thông minh

Xác định rõ phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để đưa thành phố theo hướng hiện đại. Với quan điểm định hướng chủ đạo: Phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm; Xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở tăng trưởng xanh, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng TP Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, hướng đến trở thành một đô thị xanh, tạo sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, hội nhập quốc tế.

Phát triển thành phố Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, TP Hưng Yên sẽ tiếp tục được đầu tư, ưu tiên mọi nguồn lực để trở thành đô thị loại II vào năm 2025. Mục tiêu này không chỉ giúp thành phố trở thành trung tâm chính trị, hành chính, mà còn là trung tâm thương mại, dịch vụ, khoa học, công nghệ, văn hóa và giáo dục của tỉnh.

TDat6-TT Hung Yen_resize
Một góc thành phố Hưng Yên hôm nay

Nhận thức và quyết tâm của chính quyền, Nhân dân thành phố trong phát triển đô thị đã được nâng cao. Thành phố không ngừng tập trung xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và theo xu thế hệ sinh thái đô thị thông minh, phát triển kinh tế theo hướng bền vững; rà soát thực hiện chiến lược thu hút đầu tư trọng điểm, khả thi theo định hướng và quy hoạch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị hoá.

Đối với các dự án đầu tư trọng điểm, UBND thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt quy hoạch để làm căn cứ đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, như: Quy hoạch phân khu đô thị, kết hợp dịch vụ công viên Hồ An Vũ; Quy hoạch Khu đô thị tại xã Liên Phương, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên; Đồ án quy hoạch xây dựng dự án "Xây dựng và phục dựng Phố Hiến Cổ"; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 vùng bãi sông Hồng, phía Bắc TP Hưng Yên và huyện Kim Động; Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Chợ Phố Hiến…

Một điểm sáng trong công tác phát triển đô thị của thành phố là việc đẩy mạnh quản lý quy hoạch, xây dựng các đồ án quy hoạch quan trọng. Năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP Hưng Yên đến năm 2035. tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển đô thị.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Phúc chia sẻ, TP. Hưng Yên xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các phòng ban nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, người đứng đầu phải tiên phong, hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, năng động, có cơ chế, chính sách mới, phù hợp trong thu hút đầu tư.

Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn, đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp cho từng trường hợp cụ thể. Coi doanh nghiệp là trụ đỡ, và là động lực phát triển kinh tế thành phố. Hàng năm thành phố tổ chức gặp mặt ngày 13/10/2024 kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tạo niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, thành phố luôn xác định công tác GPMB, tạo bước đột phá cho phát triển KT-XH. Ngày 31/3/2022, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB triển khai các công trình, dự án trên địa bàn thành phố”, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm TP Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác GPMB, đưa các công trình, dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư.

Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường GPMB, UBND thành phố luôn đặt lợi ích của người bị thu hồi đất lên hàng đầu; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng các quy định của Nhà nước, có cơ chế ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bị thu hồi đất. Đồng thời ban hành nhiều văn bản, tổ chức các hội nghị để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB.

UBND thành phố đang thực hiện GPMB đối với 102 dự án với diện tích là 193,617ha, trong đó: 48 dự án đầu tư công có sử dụng đất, tương ứng diện tích là 117,264ha và 54 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở, tương ứng diện tích là 76,353ha.

Nhiệm vụ phối hợp thu hút đầu tư được đặc biệt quan tâm, thành phố đã họp, thống nhất tham gia ý kiến với sở, ngành của tỉnh để thu hút các dự án đầu tư vào thành phố. Đã tham gia ý kiến đối với 11 dự án đầu tư, điều chỉnh đầu tư trên địa bàn với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng; trong một số dự án đã triển khai xây dựng như Trung tâm thương mại GO! Hưng Yên; Khu sinh thái Đông Giang; Khối nhà phục vụ trung tâm Hội nghị tỉnh,...

Ông Nguyễn Khả Phúc, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết: thành phố đang mời gọi đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ưu tiên các dự án nhà ở xã hội nhằm thu hút lao động và dân cư từ các khu vực lân cận. Thời gian tới, thành phố tập trung cao cho các công trình kiến thiết đô thị, nhất là các công trình nhằm mở rộng, phát triển hạ tầng đô thị, tập trung vào giao thông, các công trình điểm nhấn, thiết chế văn hóa xã hội, đầu tư trọng điểm cho 5 xã phấn đấu lên phường. Thành phố đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có cơ chế đặc thù hỗ trợ nguồn lực cho thành phố trong việc triển khai xây dựng hạ tầng đô thị.

Chuyển đổi số thu hút đầu tư

Theo ông Nguyễn Khả Phúc, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên, để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số toàn diện những năm gần đây thành phố đã tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu và nền tảng số. Thành phố đang triển khai xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành xây dựng nền tảng, các mục tiêu của chính quyền điện tử và chuyển đổi số ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

picture1.png
Ông Nguyễn Khả Phúc, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp về định hướng phát triển TP Hưng Yên trong giai đoạn tới

Mục tiêu đến năm 2025, mỗi người dân đều có danh tính số kèm theo QR code; phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố khoảng 30%. Hiện thành phố đã đưa vào vận hành và khai thác hệ thống an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố xã hội hóa, lắp đặt camera giám sát an ninh trên các trục đường chính và triển khai trên địa bàn UBND các phường, xã.

ttkdm.jpg
Thanh toán không dùng mặt bằng hình thức quét mã QR khi mua sắm tại chợ Phố Hiến (TP Hưng Yên). ảnh BHY

Triển khai thực hiện mô hình chợ 4.0 - mua sắm không dùng tiền mặt tại chợ Phố Hiến và Chợ Gạo. Ngoài ra thành phố cũng tăng cường triển khai các nhóm dịch vụ hành chính công trực tuyến toàn trình... đảm bảo cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện qua môi trường số. Hiện nay thành phố có 1.208 doanh nghiệp, Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình SMEdx và sử dụng nền tảng số đều đạt 100%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 96%; Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử 100%.

Tính đến ngày 31/10/2024, tổng số thủ tục hành chính được đưa vào phần mềm một cửa điện tử là 397 thủ tục. Tiến độ giải quyết hồ sơ đạt ≈ 100%; Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; Tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt trên 86%... Công tác cải cách nền hành chính trên địa bàn TP Hưng Yên đã có nhiều cải thiện rõ rệt, cụ thể năm 2023 TP Hưng Yên có 4 nhóm chỉ số xếp vị trí thứ nhất toàn tỉnh gồm các chỉ số CCHC, PAPI, DDCI và DTI. Riêng đối với chỉ số Dân vận chính quyền xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chỉ số SIPAS xếp vị trí thứ 3/10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Kim Dung - Vũ Phường