Xe buýt công cộng hay những "hung thần" đường phố?
Tình trạng xe buýt chạy ẩu gây nguy hiểm và bức xúc, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ để nâng cao an toàn và chất lượng phương tiện công cộng.
Xe buýt chạy bạt mạng, lấn làn
Tình trạng xe buýt chạy ẩu đang trở thành vấn đề nhức nhối trong dư luận. Điển hình, ngày 19/12, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh xe buýt tuyến 34 (Bến xe Mỹ Đình - Trung tâm hành chính huyện Gia Lâm) mang biển kiểm soát 29B-057.13 di chuyển với tốc độ cao, vượt ẩu và liên tục bấm còi trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), gây nguy hiểm cho người đi đường. Không chỉ ở Hà Nội. Tại TP Thủ Đức (TP HCM), một tài xế xe buýt bị bắt gặp chạy ẩu trên đoạn cầu hẹp, cố tình vượt lên bất chấp nguy cơ gây tai nạn. Sự việc xảy ra vào khoảng 8 giờ 30 phút, cũng vào ngày 19/12 trên đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn qua xã Phú Hữu, suýt chút nữa đã dẫn đến va chạm nghiêm trọng với một xe máy lưu thông theo chiều ngược lại.
Hành vi vi phạm này không chỉ làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông mà còn khiến hình ảnh xe buýt - phương tiện công cộng được kỳ vọng là an toàn - trở nên tiêu cực. Khi được hỏi về lý do dẫn đến những hành vi vi phạm, nhiều tài xế cho biết họ đang phải đối mặt với áp lực lớn về thời gian. Một số chia sẻ rằng việc trễ giờ hoặc trễ tuyến có thể dẫn đến bị phạt và nhận phản ánh tiêu cực từ hành khách. Ngoài ra, điều kiện giao thông phức tạp cũng là một thách thức lớn, đặc biệt là khi xe máy bất ngờ cắt ngang đầu xe hoặc hành khách cố tình gây khó dễ. Những yếu tố này khiến không ít tài xế mất bình tĩnh, từ đó dẫn đến các hành vi lái xe nguy hiểm.
Ngoài áp lực cá nhân, các vấn đề về quản lý cũng đóng vai trò. Lịch trình chạy xe hiện tại thường không phù hợp với tình trạng giao thông, dẫn đến việc tài xế buộc phải chạy nhanh để đảm bảo đúng giờ.
Cần đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng
Để giải quyết vấn đề, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp toàn diện. Trước hết, tăng cường chế tài xử phạt cho những hành vi vi phạm của các tài xế lái xe buýt. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tài xế vi phạm giao thông sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Các quy định này cần được thực thi nghiêm minh để răn đe và nâng cao ý thức tài xế.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng cần được đẩy mạnh. Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trên xe buýt và tại các điểm giao thông trọng yếu sẽ giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cần tổ chức các khóa đào tạo định kỳ, tập trung vào kỹ năng lái xe an toàn và xử lý tình huống giao thông. Tại TP HCM, Trung tâm quản lý giao thông công cộng và Phòng CSGT Công an TP HCM đã triển khai các buổi tuyên truyền pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cho các tài xế xe buýt. Nội dung tập huấn không chỉ giúp tài xế nắm rõ quy định mà còn trang bị các kỹ năng xử lý nguy cơ và nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp.
Một yếu tố quan trọng khác là cải thiện môi trường làm việc cho tài xế xe buýt. Giảm áp lực công việc, tăng chế độ đãi ngộ và tổ chức các buổi đối thoại giữa tài xế và đơn vị quản lý sẽ tạo điều kiện để họ làm việc hiệu quả hơn. Đồng thời, việc duy trì bảo dưỡng định kỳ các phương tiện không chỉ đảm bảo an toàn mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân sử dụng xe buýt.
Xe buýt là một phần không thể thiếu trong hệ thống giao thông đô thị. Việc cải thiện tình trạng xe buýt chạy ẩu không chỉ đảm bảo an toàn giao thông mà còn nâng cao hình ảnh phương tiện công cộng, góp phần hướng tới một hệ thống giao thông văn minh, bền vững.