Chính trị - Xã hội

Nơi Hải Phòng... "dời đô"

Hà Linh Quân 31/12/2024 05:05

LTS: Theo quyết định thành lập thành phố Thủy Nguyên được chính phủ phê duyệt, nơi này sẽ là thành phố quốc tế, một hệ sinh thái đô thị đặc biệt phù hợp với nền kinh tế trí thức.

Đêm mùa đông đầy những ngôi sao bạc nhấp nháy mang lại sự sống cho bầu trời trống rỗng. Dưới chân cầu Bính tiếng rì rào của những con sóng như một lời nhắc: Sáng 1/1/2025, huyện Thủy Nguyên sẽ được “lên thành phố”. Thành phố trong lòng Thành Phố Hải Phòng.

thanhpho2.jpg
Cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm

Thủy Nguyên thủa ấy

Nửa thế kỷ trước, cứ mỗi lần muốn hít thở không khí đồng quê bọn trẻ thành phố chúng tôi lại sang Thủy Nguyên bằng chiếc phà Bính nối đôi bờ con sông Cấm, mặt nước mênh mông trôi đầy lục bình (bèo tây) và những đàn chim hải âu xáo xác.

Dạo ấy, phố huyện gồm một dãy những ngôi nhà ủ dột trên các con phố im lìm, hè đường lổn nhổn, cỏ dại đâm lên giữa những phiến đá, trẻ con và chó tha hồ chạy rông.

Nhà của chú tôi nằm ven thị trấn núi Đèo, phô bày cái vẻ ngoài khốn khổ bằng gạch mộc. Trước nhà là các vũng bùn tồi tệ, lợn cũng phải ngước mũi lên xấu hổ. Sân sau có cái giếng nằm sát nhà vệ sinh. Mùi thối cuốn lấy cổ họng làm cánh cổngtre cứ mở to ra như hắt hơi hoài không thôi. Đêm muỗi xông ra cả đàn, chúng tôi nằm nghe những bậc thang kêu cót két và âm thanh cô độc của tiếng còi xe phá vỡ sự tĩnh lặng của phố huyện.

Thế nhưng vùng nông thôn của Thủy Nguyên lại có vẻ đẹp hấp dẫn của một quả cây chín mọng.

Đường về làng cau Nhân Lý (xưa là làng Si) không khí đầy mùi rạ mục và mùi khoai nướng. Tàn lửa từ một đám cháy trên đồng bắn lên trời như những con cánh cam sáng rực.Vừa đến đầu làng đã thấy ngập tràn hương cau nồng nàn. Bố tôi thường nhắc: ”Hít thở nhiều vào để mà di dưỡng tâm hồn!”.

Giữa cánh đồng bằng, hơn trăm ngọn núi đá vôi đỉnh nhọn, dốc đứng, chạy từ Trại Sơn đến tận Minh Đức, kỳ thú và hùng vĩ, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”. Khi rạng đông đã chuyển thành ban mai, sườn núi hắt ánh mặt trời đỏ ối làm cho không khí dịu mát có màu tím hồng, cỏ xanh mọc đầy thung lũng.

Sông Giá (tên cổ là “Mỹ Giang”- dòng sông đẹp) yên ả, trong vắt lạ kỳ. Những làn gió nhẹ đùa rỡn trên mặt nước như lũ mèo con cắn đuôi nhau. Cây xanh lá bò lên và trườn xuống sườn dốc bên sông, hoa đỏ bầm như nến. Tôi nhớ mãi đêm hôm ấy, vầng trăng nhô cao tròn đầy, trong trẻo rải một lớp sáng bạc xuống mặt sông, cô bạn học đặt một tay lên tay tôi!

Thủy Nguyên ngày nay

thanh pho1
Một góc Thủy Nguyên đương đại (khu kinh tế VSIP)

Không còn lê bước nặng nhọc qua những năm tháng, Thủy Nguyên giờ đang“lướt đi”trong mắt của người láng giềng Quảng Ninh bên kia dòng Bạch Đằng giang lịch sử.

Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng được di dời sang bờ bắc sông Cấm, trên đất Thủy Nguyên. Huyện bắt đầu mang diện mạo thành phố qua việc chỉnh trang những khu dân cư xập xệ và các tòa nhà chọc trời đang vươn vọt lên. Thủy Nguyên hiện có 18 dự án xây dựng nhà ở cho các “tỷ phú” (tiền Việt) và người lao động. Huyện đã nhiều lần lên cơn sốt đất. Từ vài năm nay đất ở thị trấn Núi Đèo rẻ cũng 100 triệu đồng/m2, không có mà mua!

Ngôi nhà cũ buồn tẻ của chú tôi bây giờ là khu đô thị xanh Quang Minh. Vành ngoài có các trung tâm mua sắm, vui chơi sầm uất. Bên trong là những con đường yên tĩnh rợp cây và hoa, tô điểm cho các căn hộ đẹp đẽ, những khoảnh vườn xinh như nụ cười hiền của một bà già. Rất nhiều không gian quang đãng cho môi trường sống lý tưởng. Chỉ thấy người dắt thú cưng dạo chơi, chứ không có lợn vầy trong vũng bùn!

thanh pho
Làm đường nông thôn mới

Cùng số phận với nhà của chú tôi là căn nhà u ám (trước năm 1993) của những người quản trang với các cánh cửa sổ mở ti hí đứng nhìn cái nghĩa địa buồn Phi Liệt. Nơi đây đang được cải tạo thành một Công viên Nghĩa trang.

Sau 15 năm phấn đấu, đến nay 35 xã (100%) của Thủy Nguyên đã đạt chuẩn Nông thôn Mới kiểu mẫu.

Hầu như mọi con đường chằng chịt những bóng nhà bóng cây xiên xẹo của Thủy Nguyên đều được làm lại: nắn thẳng, mở rộng, lát nhựa hoặc đổ bê tông phẳng lỳ. Sẽ có 6 cây cầu được bắc qua sông Cấm. Năm 2024, Cầu Bạch Đằng (Bến Rừng) đã hoàn thành. Thủy Nguyên không còn là một hòn đảo được bao bằng các dòng sông. Ngày chuyến phà Rừng cuối cùng chở người Thủy Nguyên qua sông có người đàn bà đã khóc nấc vì sung sướng!

Thủy Nguyên có nhiều nhà hàng sang trọng, quán cà phê đẹp, biểu hiện đặc trưng của quá trình đô thị hóa. Quản lý nhà hàng Chả cá Phố Mộc nói rằng khách của anh nhiều người giàu.

Tôi không biết người Thủy Nguyên giàu thế nào, nhưng xã An Lư một thời có đội tàu tổng trọng tải ngang ngửa với Công ty vận tải biển Việt Nam (VOSCO) - Biểu tượng cho sự giàu có hồi còn bao cấp. Và một đồng nghiệp ở báo An Ninh Hải Phòng cho biết bây giờ có rất it vụ ăn cắp vặt ở Thủy Nguyên.

Quán cà phê nhỏ gây được ấn tượng về sự thân mật vì có con mèo béo ú chỉ động đậy mỗi đôi tai lười biếng. Ở đó, tôi làm quen với một chàng trai xã Lại Xuân. Cậu rất hứng thú với việc sẽ lên thành phố lao động trong khu công nghiệp. Cuộc sống ở quê lành mạnh nhưng nó không cho người ta thu nhập tốt hơn so với đi làm công nhân. Thành phố không chỉ bày ra lợi ích vật chất mà còn đem đến cơ hội để cá nhân tái phát triển bản thân. Cậu sẽ có nhiều điều kiện lựa chọn cách sống của mình.

Ấy vậy vẫn còn (rất ít) những người không mặn mà với việc “lên thành phố”. Như 2 ông già tôi gặp ở quán nước chè cổng bệnh viện huyện. Họ sống quá lâu trong các ngôi làng yên bình với những đàn ong. Quá khứ buộc chặt vào người. Bản năng nông thôn, tự nhiên của họ xung đột với bản ngã đô thị, văn minh.

Họ tin chắc rằng: Nông thôn là chỗ giữ gìn linh hồn của một đất nước: Luân lý, giá trị, tín ngưỡng, sắc tộc, các truyền thống và văn hóa. Đúng rồi, nhưng lại suy diễn thái quá: Thành phố bị coi là kẻ tha hóa làng quê! Bởi vì ở đó có các thiếu nữ mang cơ thể đã héo mòn đem bán! Kiểu tư duy ấy chẳng khác gì một du khách phán xét Hải Phòng khi chỉ mới nhìn vào khu đèn đỏ Đồ Sơn mà chưa tới thăm hồ Tam Bạc, Nhà hát Lớn, cầu Hoàng Văn Thụ…

Một số ít khác, tuy không phản đối nhưng lại “tâm tư”. Đấy là những cán bộ đang lăn tăn chuyện “ghế” bị sắp xếp lại. Hay các già làng buồn thiu vì những cái tên làng xã Thủy Triều, Cao Nhân, Phả Lễ… các biểu tượng quá lớn với người Thủy Nguyên không được phép chìm vào quên lãng, có thể biến mất khi bị sáp nhập để “lên thành phố” .

Thủy Nguyên tương lai

thanhpho3.jpg
Nghề làm hương ở xã Kiền bái Thủy Nguyên, Hải Phòng

Thành phố là một sinh vật đang tiến hóa, tự điều chỉnh, để thích nghi với các kích thích địa chính trị bên ngoài. Nó giống như một bãi biển khổng lồ nơi những đợt sóng thủy triều lên xuống không ngừng định hình lại được đường bờ biển.

Ấn tượng nhất về thành phố là sự thôi thúc vươn lên bầu trời của các tòa nhà cao tầng như biểu tượng chiến thắng của công nghệ. Thượng Hải là một đầu tầu dẫn dắt sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Họ đã quảng bá điều đó ra khắp thế giới qua hình ảnh những ngôi nhà chọc trời. Vô số những tòa tháp đẹp lộng lẫy nói với cả thế giới rằng thành phố của chúng nằm trong câu lạc bộ tinh hoa của các siêu cường. Chúng ở đó như một thỏi nam châm cuốn hút vốn đầu tư và tài nguyên con người.

Thủy Nguyên cũng phải như vậy.

Giống những thành phố hiện đại, Thủy Nguyên không có hình thái cố định, không phải là một mà nhiều trung tâm, chức năng đô thị tản rộng. Chính cái ô tô thúc đẩy người dân thoát khỏi phố phường chật chội, ra định cư tại những vùng nông thôn. Ranh giới kiểu cũ giữa trung tâm thành phố và ngoại ô, giữa nhà quê và tỉnh thành, giờ đã nhạt nhòa. Các vùng ngoại ô Thủy Nguyên càng nhanh chóng mang dáng vẻ đô thị.

Các loại hình doanh nghiệp thời kinh tế hậu công nghiệp: Công nghệ cao, nghiên cứu, dịch vụ, về hết ngoại ô chứ không bị đẩy vào trong nội thị. Thủy Nguyên trở nên thành phố sinh thái với những trung tâm kinh tế được quy hoạch, các ngôi nhà biệt lập xinh xắn và rất nhiều không gian xanh.

Ngày xưa thiên nhiên nằm ngoài thành phố. Bây giờ nó được đan cài vào khắp nơi trong cấu trúc đô thị. Thủy Nguyên sẽ có các dải công viên, quảng trường, vườn tược để mọi người dân thành phố được tiếp cận với những niềm vui cơ bản của cuộc sống: Mặt trời, cây xanh, không khí (có giá trị ngang tiền mặt vì nó thu hút các vị du khách giàu có). Hai lá phổi của đô thị quan trọng không kém gì cái dạ dày!

Thế nhưng thành phố không bao giờ chỉ đơn thuần là một bộ sưu tầm các tòa nhà, công trình xây dựng. Nó khác với khu định cư không phải ở phần thể xác mà ở “linh hồn”- những hoạt động nó nuôi dưỡng.

Thủy Nguyên đã gần như có quy mô thành phố nhưng vẫn còn thiếu nhiều thứ làm phong phú thêm cuộc sống đô thị. Trước hết nó cần nước sạch đúng tiêu chuẩn Bộ Y Tế, có sự đa dạng kiến trúc với các khu dân cư đầy phong cách, những cửa hiệu thời trang sang chảnh, các quán cà phê, tiệm ăn đẳng cấp, rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc, sàn khiêu vũ, Gallery hội họa, bảo tàng, hiệu sách, sân tập thể thao, những con phố sôi động mà ở đó dân tình có thể đi bộ, một cuộc sống về đêm khiến người ta say mê.

Các hàng quán là linh hồn của đời sống về đêm thành phố. Nhịp điệu đô thị hối hả đã được tạo ra như một phần việc làm đầy dạ dày người này và trêu ngươi cái đầu lưỡi người nọ. Những khu chợ phố và người bán hàng trên phố là nhân tố cực quan trọng tạo ra tính hòa đồng xã hội trong đô thị. Lịch sử đồ ăn đường phố là lịch sử của các cuộc di dân, thứ truyền năng lượng cho sự phát triển đô thị. Một trong những con đường đến trái tim thành phố là đi qua cái dạ dày!

Đối với du khách các khu vui chơi, nhà hàng, ẩm thực đường phố có sức hút không kém gì bảo tàng, di sản văn hóa…

Thủy Nguyên là nơi đất lành, người dân hiếu học, chính quyền chú trọng phát triển giáo dục, xây nhiều trường cao tầng nhất Hải Phòng, nhưng vẫn thiếu trường đại học.

Ngày xưa, mỗi khi xuân đến, người Thủy Nguyên lại về xã Phục Lễ ngắm các cô gái vốn đẹp nổi tiếng (Nghe nói vậy thôi chứ họ bịt mặt kín mít như người Hồi giáo) hát đúm, sang Đồng Môn nghe ca trù. Bây giờ hội làng đã vãn. Nhưng việc bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể quý giá này Thủy Nguyên không thể bỏ qua. Đấy mới chỉ là văn hóa làng xã. Khi “lên thành phố”, muốn có đẳng cấp, Thủy Nguyên phải tổ chức các sự kiện thể thao đình đám, hoạt động giải trí cả ngày lẫn đêm.

Theo quyết định thành lập thành phố Thủy Nguyên được chính phủ phê duyệt nơi này sẽ là thành phố quốc tế, một hệ sinh thái đô thị đặc biệt phù hợp với nền kinh tế trí thức. Tương lai, cuộc cách mạng công nghệ số sẽ giúp Thủy Nguyên trở nên thành phố thông minh được vận hành bởi dữ liệu, với hàng triệu cảm biến được cấy chìm, cho phép trí tuệ nhân tạo quản lý giao thông, giảm thiểu ô nhiễm, diệt trừ tội phạm…

Là “thủ đô” của Hải Phòng, một điều hết sức độc đáo so với các địa phương khác cũng có mô hình thành phố “mẹ- con”, Thủy Nguyên cần được hưởng sự quan tâm đặc biệt từ cấp lãnh đạo về cơ chế và ngân sách (“Có thực mới vực được đạo”, Trong vòng vài năm, vốn của nhà nước dồi dào sẽ thu hút mạnh các nguồn lực từ nhà đầu tư và người dân). Rồi ngày nào đó, Thủy Nguyên trưng bàyhiện thực huy hoàng của nó bằng những tòa tháp cao tầng, các phố chợ đêm sôi động..., biến mình thành chốn đáng mơ ước, đầy phấn khích để sinh sống và làm việc. Trong cơn bùng phát dân số cơ học có nhiều người tài sẽ về Thủy Nguyên. Thung lũng Silicon, một trong những nơi có quyền lực nhất thế giới, phát triển thịnh vượng cũng chỉ nhờ các bộ óc!

Người Thủy Nguyên vốn cương trực, tháo vát, năng động, nhạy bén, giỏi giang. Thế nhưng bây giờ việc đầu tiên là họ phải thay đổi nhiều thói quen cũ, nâng cao dân trí để có một tâm thế mới - Công dân Thành phố.

Một sáng mùa đông cuối năm mà ánh mặt trời vàng như phấn hoa, khiến cho lòng người ngất ngây hạnh phúc, mặc dù tôi vừa có cuộc nói chuyện đầy chất công việc với ông Phạm Hưng Hùng, Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên. Rất nhiều luận điểm trong bài báo này dựa trên quan niệm của ông về điều gì một thành phố hiện đại nên có, đặc biệt vấn đề quy hoạch, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư và tài sản quý giá nhất- Con Người.

Cảm nhận của tôi là ông không có tư tưởng độc đoán, biết lắng nghe các cá nhân, cộng đồng vi mô đô thị trong việc quyết định tương lai thành phố. Và lòng quyết tâm vốn là điều cốt lõi trong tâm hồn người đàn ông Phạm Hưng Hùng.

Hà Linh Quân