Nghiên cứu - Trao đổi

Cần tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn và chức năng quản lý nhà nước

Yến Nhung 28/12/2024 04:00

Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, nhiều ý kiến đánh giá Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) đã đề xuất nhiều đổi mới mang tính căn bản nhằm khắc phục bất cập hiện hành, tăng tính tự chủ của doanh nghiệp, giảm can thiệp hành chính và thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường.

Để hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Ảnh: ITN
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất nhiều đổi mới mang tính căn bản nhằm khắc phục bất cập hiện hành - Ảnh: ITN

Song, để góp phần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo này, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về mô hình của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, Điều 40 Dự thảo quy định có 05 dạng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể được giao là chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay các tổ chức cá nhân khác.

Theo ông Hùng, về hình thức, đây là các cơ quan quản lý nhà nước hoặc hoạt động mang tính hành chính trong bộ máy chính trị. Do vậy, mặc dù việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập từ năm 2018 nhằm tách bạch cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước vẫn mang tính chất hành chính, cơ cấu tổ chức theo ngành, lĩnh vực mà chưa gắn với quản lý theo chuyên môn điều hành nhà nước về tài chính, đầu tư, kế hoạch – chiến lược, kế toán – kiểm toán, mô hình quản trị, kiểm tra giám sát, quản trị rủi ro hay quan hệ công chúng. Việc lựa chọn mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là căn cứ quan trọng để quyết định xây dựng cơ chế về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan này với việc quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và những yếu tố riêng của Việt Nam, cần xác định rõ mô hình của cơ quan này là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước hay là một dạng quỹ đầu tư của Chính phủ để từ đó xác định quyền và trách nhiệm cho phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, đề nghị cần xem xét hợp nhất các cơ quan chủ sở hữu thành một đầu mối thống nhất, trừ trường hợp các doanh nghiệp công ích và các doanh nghiệp có tính chất đặc thù về quốc phòng, an ninh để tránh sự phân tán và thiếu đồng nhất trong quản lý, điều hành, gia tăng tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chủ sở hữu”, TS Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là rất cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp - Ảnh: ITN
Cần tiếp tục nghiên cứu tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh: ITN

Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét Điều 40 về cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu. Theo đó, cần tách bạch được chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành và địa phương, qua đó giảm thiểu được các quy trình, thủ tục phức tạp, rút ngắn được thời gian xử lý công việc nhằm tranh thủ các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Công tác quản trị doanh nghiệp và tái cơ cấu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được thực hiện một cách chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn có cơ chế và nguồn lực để sẵn sàng đầu tư tăng vốn giúp cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả. Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn có ưu thế hơn mô hình cơ quan hành chính nhà nước trong việc thu hút các chuyên gia có trình độ chuyên môn về đầu tư và quản trị doanh nghiệp thông qua chế độ lương, đãi ngộ phù hợp để thu hút, giữ chân người tài. Việc giám sát, đánh giá về kết quả hoạt động đối với mô hình doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn là hoàn toàn khả thi.

“Doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc một trong các loại hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có cơ chế hoạt động riêng đặc thù, chi tiết chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của loại hình doanh nghiệp này sẽ do Chính phủ quy định”, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, nên phân định chức năng hai loại cơ quan. Các bộ chủ quản thực hiện quản lý nhà nước thì vừa là chủ sở hữu vốn, vừa sử dụng các doanh nghiệp nhà nước làm công cụ quản lý, điều tiết nền kinh tế.

“Chẳng hạn trong lĩnh vực điện - lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, sau khi phân tách vai trò sở hữu vốn và vai trò quản lý nhà nước ra hai cơ quan khác nhau đã dẫn đến có những khoảng mờ nhất định về trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh năng lượng một cách liên tục. Riêng với cơ quan đầu mối đóng vai trò đại diện chủ sở hữu các khoản đầu tư của nhà nước, nhiệm vụ cơ quan này có lẽ chỉ tập trung vào lựa chọn nhân sự là chuyên gia giỏi nhất tham gia vào ban quản trị, điều hành của các doanh nghiệp liên quan nhằm thực hiện vai trò giám sát hiệu quả đầu tư, kết hợp với chức năng tư vấn. Chức năng này rất quan trọng bởi một khi đánh giá khoản đầu tư kém hiệu quả thì các nhân sự giám sát hay đại diện cổ đông này có thể đề xuất rút vốn nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư”, chuyên gia này bày tỏ.

Yến Nhung