Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024
Ngành ngân hàng Việt Nam trải qua năm 2024 tiếp tục “ngược cơn gió ngược” với chính sách điều tệ linh hoạt, hệ thống thực hiện tái cấu trúc theo đề án từ 2021-2025.
Sau đây là những sự kiện nổi bật, đáng chú ý của ngành trên thị trường năm 2024.
1. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Năm 2024, ngành ngân hàng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt theo hướng nới lỏng (đã thực hiện từ tháng 10/2022) đến nay, góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát dưới chỉ tiêu Quốc hội giao 4,5% và hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng cao bất chấp những khó khăn từ quốc tế đến nội địa và đặc biệt tác động của cơn bão Yagi để lại hậu quả tại 26 tỉnh thành phía Bắc.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định nếu được chọn thành tựu nào của ngành ngân hàng xếp đầu tiên thì đây chính là kết quả, dấu ấn nổi bật nhất theo ông, bởi đây cũng là nhiệm vụ chính của ngành ngân hàng trong mọi giai đoạn và trong các kế hoạch năm.
2. Tăng trưởng tín dụng đổi mới và tích cực
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho năm 2024 tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024. Ngày 28/8/2024, NHNN đã chủ động có văn bản thông báo điều chỉnh chỉ tiêu TTTD năm 2024 cho các TCTD. Tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm và khó khăn nhưng dần về cuối năm, với sự phục hồi của nền kinh tế đi cùng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, đã tăng trưởng tích cực hơn. Đến ngày 07/12/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 12,5% so với cuối năm 2023. Cả năm, tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi, là kết quả điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
3. Tỷ giá ổn định, VND tiếp tục là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực
Năm 2024, tỷ giá VND/USD có các đợt biến động mạnh. Đợt đầu vào tháng 5 với mức tăng hơn 5%, chủ yếu do khoảng cách kỷ lục giữa lãi suất ngắn hạn VND và USD (lãi suất VND thấp hơn lãi suất USD và biến động của giá vàng… NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp can thiệp bao gồm bán dự trữ ngoại hối, ổn định nguồn cung, kéo giảm chênh lệch lãi suất để hạ nhiệt tỷ giá. Trong những tháng gần đây, tỷ giá VND/ USD cũng đã có sự biến động mạnh, sự tăng giá do kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 năm 2024, nhưng sau đó lại giảm giá do lo ngại về cuộc bầu cử của Donald Trump. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn kết thúc năm với mức giảm +- 5%, trong biên độ hợp lý so với đồng USD.
4. Luật Tổ chức Tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2024
Với 450/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 18/1/2024, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi có nhiều điểm mới như: Hoàn thiện các quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân; Quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử; Quy định thúc đẩy quá trình cơ cấu tại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; Luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu… góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo hoạt động tài chính của các TCTD phát triển lành mạnh, ổn định. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế.
5. Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng
Thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”, năm 2024 ghi nhận bước tiến mới trong hoàn thành chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng trong diện yếu kém phải tái cơ cấu, về các ngân hàng mạnh hơn. Đó là trường hợp CB Bank được chuyển giao về Vietcombank và OceanBank được chuyển giao về MBBank trong tháng 9/2024.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết hiện còn 2 ngân hàng, một trong diện 0 đồng là GP Bank và trong diện kiểm soát bắt buộc Đông Á Bank, cũng đang được NHNN đốc thúc triển khai, trình đề án lên Chính phủ để sớm thực hiện chuyển giao bắt buộc trong thời gian tới. Ngoài ra, SCB cũng đang được NHNN hoàn thiện phương án xử lý để trình Chính phủ. Việc các thương vụ chuyển giao bắt buộc hoàn thành sau nhiều năm triển khai tái cơ cấu đánh dấu mốc mới trong thực thi giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
6. Thị trường vàng được “bình ổn”
Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động và các kỷ lục của giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước. Theo đó, giá vàng quốc tế đã đột phá các mốc kỷ lục và gần nhất tiến gần đến 2.800 USD/oz. Trong nước, giá vàng có thời điểm lên tới mốc kỷ lục trên 92,3 triệu đồng/ lượng. Cùng với đó, có thời điểm giá vàng nhẫn trơn lần đầu tiên sau nhiều năm được định giá giao dịch thị trường ngang giá vàng miếng SJC. Tuy nhiên, kỷ lục đáng kể nhất là biện pháp can thiệp thông qua 9 phiên đấu thầu vàng miếng của NHNN Việt Nam sau 11 năm kể từ khi có Nghị quyết 24. Song giá vàng trong nước không giảm mà liên tục tăng, chênh lệch với quốc tế nới rộng lên gần 20 triệu đồng một lượng.
NHNN đã dừng việc đấu thầu vàng miếng, chuyển sang phương thức bán vàng cho 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước và Công ty SJC để các đơn vị này bán lại cho người dân. Tổng cộng qua các phương thức can thiệp, NHNN đã bán ra thị trường gần 13,3 tấn vàng trong năm 2024. Giá vàng miếng SJC đã hạ nhiệt, kể từ đó đến nay vẫn trong trạng thái “bình ổn”, rút ngắn chênh lệch với giá vàng thế giới. 2024 cũng là năm cơ quan quản lý tiến hành thanh tra nhiều Công ty, ngân hàng về hoạt động kinh doanh vàng; đồng thời vẫn tiếp tục hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định 24 theo yêu cầu của Chính phủ.
7. Quốc hội tiếp tục xem xét tăng vốn điều lệ cho các Ngân hàng có vốn Nhà nước
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại các ngân hàng có vốn Nhà nước được xác định nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; giúp các TCTD có tiềm lực để thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ lãi suất và nghĩa vụ với NSNN. Đây là điều kiện cần thiết để các TCTD này có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế, như trường hợp của Vietcombank.
Theo đó, năm 2024, Quốc hội đã phê duyệt cho Vietcombank được bổ sung tăng vốn điều lệ 20.695 tỷ đồng (làm tròn) từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của VCB. Trước Vietcombank, ngân hàng Agribank cũng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ vốn Nhà nước theo chủ trương được phê duyệt trước đó. NHNN đồng thời cũng cho biết tiếp tục trình Quốc hội xem xét phê duyệt tăng vốn điều lệ cho BIDV và VietinBank, qua đó giúp các NH có vốn Nhà nước nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh và nhiệm vụ đề ra.
8. Ngành ngân hàng áp dụng các Thông tư về cơ cấu lại nợ
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đây là Thông tư đã và đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều thành phần trong nền kinh tế giảm áp lực nợ, cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cũng như giúp các NHTM giảm áp lực khi được giãn thời gian đánh giá khoản nợ, trích lập dự phòng, tăng điều kiện cho vay. Đến tháng 9/2024, do hệ quả của cơn bão Yagi (số 3), ngành ngân hàng đã tiên phong tiếp tục hỗ trợ thông qua khoanh nợ và tăng cho vay nợ mới với các khách hàng bị ảnh hưởng do bão và hoàn lưu sau bão ở 26 tỉnh thành phía Bắc. Ngày 4/12/2024, NHNN đã ban hành Thông tư 53 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3. Theo đó, có 2 Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ được áp dụng song song.
9. Chuyển dịch trụ sở ngân hàng hậu các thương vụ M&A
Ngành ngân hàng tiếp tục chứng khoán những thay đổi từ các thương vụ M&A, đổi cổ đông sở hữu tại TCTD. Điển hình tại NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), CTCP Tập đoàn Gelex (GEX) đã trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này, sau khi nắm 10% vốn Eximbank chưa bao gồm cổ phần tổ chức, cá nhân có liên quan. ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank vào tháng 11 với việc cổ đông thông qua kế hoạch theo tờ trình chuyển trụ sở Eximbank từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, cùng với đó thông qua việc miễn nhiệm hai TVHĐQT đại diện vốn sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông khác, cho thấy tác động dịch chuyển từ kiểm soát chi phối trong cơ cấu sở hữu ngân hàng.
Tương tự, ĐHĐCĐ bất thường của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, LPB) tại Ninh Bình cũng đã trình và được Đại hội phê duyệt việc chuyển địa điểm trụ sở chính từ Hà Nội về một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam nhằm mở rộng thị trường, đặc biệt gia tăng sự hiện diện tại các khu vực nông thôn, đô thị loại 2. Trước đó trong tháng 7, sau năm trước kiện toàn nhóm cổ đông mới và lãnh đạo, Lộc Phát đã thay đổi tên gọi, nhận diện thương hiệu đánh dấu khởi đầu giai đoạn phát triển mới của ngân hàng LPBank với chiến lược kinh doanh mới, hướng tới những giá trị mới cho khách hàng, đối tác và cổ đông.
10. Phân hóa kinh doanh giữa các ngân hàng
Năm 2024 ghi nhận sự phân hóa trong KQKD của các ngân hàng khi xu hướng lãi suất tăng trên hệ thống, tỷ lệ NIM giảm. Các CTCK dự báo chung lợi nhuận toàn ngành ở mức 14-17%. Trong đó, nhóm Big 4 tăng trưởng lợi nhuận ổn định ở mức 8-15%. Chẳng hạn Vietcombank dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 10%; BIDV tăng 13,8%, VietinBank tăng 12,4%... Một số NHTM có tăng trưởng tín dụng cao và đẩy mạnh bán lẻ dự báo tăng mạnh như VPBank, LPBank, HDBank, Techcombank, TPBank, Eximbank, Sacombank. .. Nhóm ở chiều ngược lại sẽ gặp khó khăn trong tăng trưởng lợi nhuận sẽ là PGBank, Saigonbank, ABBank, NCB… Một số ngân hàng như trường hợp OCB, được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng hơn cả trong quý cuối năm nhờ nền so sánh thấp của năm ngoái.
Có thể nói, bức tranh lợi nhuận với những mảng sáng-tối đan xen của ngành ngân hàng đã phản ánh sự cạnh tranh gay gắt và khó khăn của các NH nhỏ với nhóm có quy mô lớn, thị phần lớn, có đầu tư chuyển đổi số từ sớm để vượt qua thách thức về thu hút và chi phí giá vốn, giữ được NIM cao, tăng thu nhập ngoài lãi... Đi cùng, là thách thức kiểm soát chất lượng tín dụng và tỷ lệ nợ xấu, trong bối cảnh nợ xấu ngành tăng khiến chất lượng tài sản ở nhiều ngân hàng đi xuống.