24h

Lợi dụng “kẽ hở” để lừa đảo, làm giả 10.000 tài khoản ngân hàng

Khôi Nguyên 28/12/2024 11:55

Một đường dây lừa đảo, làm giả hàng ngàn tài khoản ngân hàng vừa bị lực lượng chức năng triệt phá thành công…

loi-dung-cac-ke-ho-de-lua-dao-lam-gia-10000-tai-khoan-ngan-hang-2.png
Nhóm chuyên hack Facebook tại Quảng Bình vừa bị triệu tập trong đường dây lừa đảo

Nhóm đối tượng lừa đảo 100 tỷ đồng

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, Công an tỉnh Quảng Bình vừa phối hợp với Công an tỉnh Đồng Tháp và Công an TP Hà Nội làm rõ nhóm đối tượng chuyên làm giả hình ảnh, giấy tờ, tài liệu; làm giả, mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Cụ thể, quá trình đấu tranh chuyên án, Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Công an tỉnh Đồng Tháp và Công an TP Hà Nội tiến hành triệu tập, đấu tranh với các đối tượng liên quan. Gồm: Nguyễn Hoàng Tấn Tài (sinh năm 2003), Trương Thị T. L. (sinh năm 2007), Võ Chí Công (sinh năm 2001), Trương Đình Hoàng (sinh năm 2006), Phạm Văn Quyền (sinh năm 2001) và Nguyễn Văn Sáng (sinh năm 2004), đều trú tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Đây là nhóm đối tượng chuyên hack các tài khoản Facebook, sau đó dùng các tài khoản này nhắn tin mua hàng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Khi mua hàng, các đối tượng này dùng các hóa đơn thanh toán giả gửi cho người bán để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài ra, các đối tượng còn tìm mua các tài khoản ngân hàng giả có tên trùng với tài khoản Facebook chiếm đoạt được để mạo danh, nhắn tin lừa đảo hoặc mượn tiền.

Tiếp tục mở rộng, cơ quan Công an đã triệu tập, đấu tranh với Vũ Ngọc Mai, Vũ Đức Giang (đều sinh năm 1993, trú tại phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội). Với thủ đoạn tinh vi, Mai và Giang đã lợi dụng kẽ hở của các ngân hàng để tạo lập các tài khoản, mỗi tài khoản giả được đối tượng bán ra với giá từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng. Ngoài ra, Giang và Mai còn sử dụng 3 tài khoản ngân hàng được các đối tượng làm giả để nhận tiền giao dịch nhằm che giấu dòng tiền trước khi chuyển về các tài khoản chính chủ để tiêu xài.

Bước đầu xác định, tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng do Giang và Mai quản lý từ khi bắt đầu thực hiện hành vi làm giả và bán tài khoản ngân hàng khoảng 32 tỉ đồng. Trong đó, riêng 2 tài khoản phục vụ việc nhận tiền bán tài khoản ngân hàng giả có tổng giao dịch gần 8 tỉ đồng, ước tính tương đương khoảng 10.000 bộ tài khoản ngân hàng giả mạo được bán ra cho các đối tượng sử dụng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, rửa tiền… trên không gian mạng. Ước tính số tiền giao dịch vi phạm pháp luật liên quan đến 10.000 bộ tài khoản giả mạo nói trên khoảng 100 tỷ đồng.

Tại tỉnh Đồng Tháp, lực lượng phá án đã triệu tập, đấu tranh với đối tượng Võ Hữu Nhân (sinh năm 2004, trú tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Đây là đối tượng có hành vi tạo lập, quản trị, điều hành hàng loạt các website để hoạt động các dịch vụ chuyên về làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng, làm giả hình ảnh CCCD, hộ chiếu, giấy phép lái xe, làm giả email xác nhận giao dịch chuyển khoản.

Qua xác minh, tổng số lượng người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ làm giả trên các website do Nhân quản lý theo bộ đếm của website tính đến nay là 89.710 tài khoản người dùng; 247.757 lượt làm giả hình ảnh chuyển khoản ngân hàng; 33.479 lượt tạo hình ảnh CCCD giả.

Đáng chú ý, thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tục khuyến cáo tình trạng tội phạm công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 của Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho thấy, ước tính thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng.

loi-dung-cac-ke-ho-de-lua-dao-lam-gia-10000-tai-khoan-ngan-hang-1.png
Đối tượng Vũ Đức Giang với các thiết bị làm giả tài khoản ngân hàng

Sẽ bịt các “kẽ hở” để ngăn chặn

Trước thực trạng nhức nhối này, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

Theo đó, trong quý 1/2025, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình phối hợp liên ngành để xử lý nhanh, kịp thời các vụ, việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài khoản thanh toán, ví điện tử có nghi vấn liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật để kịp thời cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử.

Bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch Mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để xử lý các hành vi cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoạt động vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ban hành quy trình rà soát, nhận diện, giám sát tài khoản doanh nghiệp, các giao dịch nghi vấn sử dụng hoạt động phạm tội.

Khôi Nguyên