Chính trị - Xã hội

Ngành kế hoạch đầu tư sẵn sàng cho trọng trách và tầm nhìn mới

Hạnh Lê 28/12/2024 12:30

Ngành kế hoạch đầu tư sẵn sàng tâm thế cho những trọng trách, tầm nhìn và tư duy phát triển mới; tiên phong mở đường trong kỷ nguyên mới.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành kế hoạch và đầu tư.

toan canh HN
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành kế hoạch và đầu tư có sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tích lũy thế và lực cho giai đoạn mới

Với sự chủ động, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển, năm 2024 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ước đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%); 15/15 chỉ tiêu chủ yếu có khả năng hoàn thành. Kết quả này góp phần nâng cao quy mô, tiềm lực của nền kinh tế, giúp nước ta tích lũy thế và lực cho giai đoạn phát triển bứt phá.

Những dấu ấn nổi bật khác trong năm 2024 của ngành kế hoạch và đầu tư đã được ông Nguyễn Chí Dũng khái quát như hành trang chuẩn bị bước sang giai đoạn phát triển mới. Đó là hình thành hệ tư duy mới - tư duy chủ động kiến tạo, tăng trưởng và phát triển đột phá, quyết định tương lai; lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển cùng tầm nhìn về thời điểm “hội tụ” các lợi thế, sức mạnh để cất cánh.

Với quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản thể chế, biến “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá”, quá trình phân cấp đã diễn ra mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt, phát huy hiệu quả nguồn lực công và năng lực quản lý cấp thực hiện trong Luật Đầu tư công (sửa đổi); chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật về đầu tư…

Bên cạnh đó, nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu.

Các nguồn lực trong nền kinh tế được khơi thông và sử dụng hiệu quả; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chíp, bán dẫn… và các mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do… tại một số địa phương.

Năm 2025 - bước chuyển sang giai đoạn tăng trưởng và phát triển mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra 6 vấn đề có tính then chốt và thách thức.

BT Dung
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên mới với tốc độ trưởng trong 2 thập kỷ tới đạt mức 2 con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Thứ hai, dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân.

Thứ ba, xây dựng những thể chế vượt trội để doanh nghiệp nhà nước khẳng định được vị trí, vai trò chủ đạo và sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu.

Thứ tư, giải quyết một số vấn đề trong đầu tư nước ngoài, liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, quản trị quốc gia là vấn đề rất quan trọng nhưng chưa theo kịp xu hướng biến đổi nhanh của thế giới.

Cuối cùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực chủ yếu cho phát triển nhanh và bền vững…

Khơi thông nguồn lực dẫn dắt phát triển

Trước đòi hỏi mới của năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập 10 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai. Quan trọng nhất, cụ thể hóa, thể chế hóa tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên phát triển mới; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách đột phá, khả thi, hiệu quả cho giai đoạn phát triển tới của đất nước. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, nhất quán quan điểm lấy phát triển để ổn định và ổn định làm tiền đề cho phát triển; ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Trong đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đề án lớn trong năm 2025 để tập trung nguồn lực, thời gian cho các dự án, nhiệm vụ ưu tiên mới trong giai đoạn 2026-2030.

toan canh HN1
Ngành kế hoạch đầu tư sẵn sàng tâm thế cho những trọng trách, tầm nhìn và tư duy phát triển mới

Ngành kế hoạch và đầu tư xác định đồng hành cùng doanh nghiệp; khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tháo gỡ. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất để tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tăng cường đối thoại kinh tế, thu hút các dự án FDI lớn, có tính lan tỏa, dẫn dắt; xây dựng chính sách đủ mạnh để kết nối kinh doanh, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, tập trung nguồn lực cho các cực tăng trưởng, vùng động lực và hành lang kinh tế, tạo sức bật và lan tỏa ra các vùng, địa phương khác trên cả nước; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu phát triển các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng mới; đi tắt đón đầu cùng xu thế phát triển của thế giới.

Với nội dung quan trọng trước mắt là tổ chức bộ máy, tuy có sự thay đổi nhưng chức năng, nhiệm vụ thực hiện của ngành thậm chí còn nhiều hơn với yêu cầu, đòi hỏi cao hơn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ vị trí công tác nào, hoạt động dưới bất kỳ hình thức tổ chức, tên gọi nào, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, tiên phong đổi mới, không ngừng nỗ lực cống hiến, viết lên trang sử mới của ngành.

Hạnh Lê