Công nghệ

Công nghệ Net Zero hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Kim Dung - Vũ Phường 28/12/2024 16:10

Chương trình KH&CN Net Zero được kỳ vọng tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế xanh...

Ngày 28/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo “Triển khai Chương trình KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho Vùng Đông Nam Bộ”.

Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong việc triển khai thực hiện mục tiêu Net Zero cho Vùng Đông Nam Bộ.

1.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị

Phát triển công nghệ xanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, Chương trình không chỉ hướng tới phát triển công nghệ xanh và giảm phát thải khí nhà kính mà còn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Cam kết này được khẳng định bởi Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến công tác Hoa Kỳ vừa qua: “Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với các công việc chung của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp tích cực, chủ động. Việt Nam được Liên hợp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Cùng với đó, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia khẩn trương xây dựng và ban hành Chương trình KH&CN cấp quốc gia với mã số KC.16/24-30, nhằm phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, đây là một trong những chương trình hành động nhanh chóng, kịp thời của Bộ KH&CN trong việc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai cam kết của Việt Nam về Net Zero. Chương trình này sẽ song hành cùng với các Chương trình KH&CN quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp KH&CN, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 (COP26).

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chương trình KH&CN Net Zero sẽ là nền tảng, là cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

3.jpg
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chương trình KH&CN Net Zero sẽ là nền tảng để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Bộ trưởng Bộ KH&CN tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, chúng ta sẽ biến những thách thức thành cơ hội, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, tìm ra được các giải pháp thiết thực để sớm hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Vùng Đồng Đông Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Net Zero là giải pháp đột phá trong công nghệ

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, hậu quả ngày càng lớn. Từ đó đặt ra vấn đề, chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách, không thể thực hiện bởi một quốc gia mà cần tiếp cận toàn cầu và toàn dân. Do đó, phát triển xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị kỹ càng về kế hoạch giảm phát thải sẽ chủ động hơn trong phát triển bền vững, nhằm sớm đáp ứng lộ trình giảm phát thải về Net zero vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.

Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, để triển khai thực hiện thành công cam kết của Chính phủ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp các địa phương, các tổ chức và các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, trong bối cảnh một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng tới thiết lập áp dụng hàng rào các-bon đối với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam.

z6174165649084_fb11b9fef8fce22b6d37482f993296f1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tỉnh có nhiều điều kiện để xây dựng và phát triển Trung tâm cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi/điện gió ngoài khơi, đáp ứng cho nhu cầu phát triển KTXH tại chỗ cho vùng Đông Nam Bộ

Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực có động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 05 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước. Đến năm 2030, cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức; ưu tiên và tập trung phát triển 4 trụ cột kinh tế của tỉnh gồm: Công nghiệp, cảng biển - logistics, du lịch và đô thị - dịch vụ.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên - xã hội và hạ tầng sẵn có, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được nhận định là khu vực có tiềm năng lớn để xây dựng và phát triển Trung tâm cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi/điện gió ngoài khơi, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại chỗ cho vùng Đông Nam Bộ mà còn là một mắt xích quan trọng thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo tại Việt Nam và khu vực. Mới đây, ngày 01/12/2024, tại chuỗi sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh định hướng đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm năng lượng, trung tâm điện gió ngoài khơi không chỉ của quốc gia mà còn của khu vực, thế giới.

Quy hoạch tỉnh cũng đã đề ra một trong những quan điểm phát triển quan trọng, mang tính xuyên suốt, cụ thể là: “bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, không đánh đổi môi trường với lợi ích kinh tế trong quá trình phát triển. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế cac-bon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch theo lộ trình giảm phát thải để đạt Net Zero; tổ chức các Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn về kiểm kê khí nhà kính gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh; triển khai Bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Sakai, Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, hướng tới xây dựng “Thành phố không Carbon”, “Kinh tế tuần hoàn” và khả năng phát triển dự án áp dụng Cơ chế tín chỉ chung; triển khai “Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu/khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Nippon Sanso
Các khu công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn hướng tới mục tiêu phát triển xanh, giảm phát thải để phát triển bền vững

Đồng thời, tỉnh đang triển khai đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; qua đó, định hướng đưa Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nước và khu vực. Năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Bà Rịa - Vũng Tàu, xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Bộ.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định Công nghệ, đã giới thiệu các mục tiêu và nội dung chính của Chương trình. Ông nhấn mạnh, Chương trình không chỉ nhằm phục vụ trực tiếp các cam kết quốc tế của Việt Nam mà còn chú trọng vào nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ, giải mã, đổi mới, ứng dụng, và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, ông Linh đề cập đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn và nâng cao năng lực để giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Chương trình KH&CN Net Zero tập trung vào 3 mục tiêu trọng tâm: cung cấp luận cứ và cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; đề xuất các mô hình phát triển kinh tế - xã hội xanh, tuần hoàn, và phát thải các-bon thấp; đồng thời nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển các giải pháp kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững.

Ngoài ra, ông cũng trình bày về 8 nội dung cụ thể của Chương trình, từ nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đến phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến cho nhiều lĩnh vực như giao thông, xây dựng, nông nghiệp, và kiểm kê khí nhà kính.

Ngoài ra, Hội thảo có sự tham gia đóng góp các bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham dự cùng nhau trao đổi, thảo luận. Hội thảo sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thúc đẩy mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

Kim Dung - Vũ Phường