Đa dạng chương trình kích cầu tiêu thụ hàng hóa cuối năm
Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào dịp cuối năm, do đó cần tiếp tục phát triển thương mại nội địa với giải pháp tập trung vào xúc tiến thương mại.
Thực tế cho thấy, năm 2024 người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức mua chậm trên thực tế đã và đang tác động tiêu cực tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước. Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 10 tháng năm 2024 ước đạt 5.246.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%); nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,6%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm xác nhận, doanh số bán hàng tại nội địa tăng trưởng không như kỳ vọng do sức cầu vẫn khá yếu, người tiêu dùng còn dè dặt trong chi tiêu. Trong khi đó, vẫn có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian còn lại của năm 2024, như giá đầu vào (điện, dịch vụ vận tải, nhân công…) có xu hướng tăng.
Chia sẻ về thực tế này, bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm nay ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ tăng cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021 (những năm có dịch) trong giai đoạn 2014-2024. Tuy nhiên, mức tăng này chưa bằng thời kỳ trước dịch Covid-19 (tăng hơn 10%). Điều này cho thấy người dân chi tiêu tiết kiệm hơn dù nhu cầu tiêu dùng đã dần phục hồi. Bên cạnh đó, tỷ trọng tiêu dùng các dịch vụ xã hội đang giảm, trong khi các nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm vẫn giữ đà tăng trưởng khá, còn các mặt hàng như phương tiện đi lại hay vật phẩm văn hóa tăng trưởng chậm hơn.
Một số chuyên gia đánh giá, những tháng cuối, đặc biệt là Tết Nguyên đán, là "thời điểm vàng" để thúc đẩy tiêu dùng, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Việc phát triển thương mại nội địa cần tập trung vào các giải pháp như xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước.
Nhấn mạnh thị trường tiêu dùng nội địa đóng vai trò quan trọng và là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, bên cạnh những chính sách an sinh xã hội, việc làm, giảm lãi suất ngân hàng, các chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu.
Cùng với đó cần phát huy hiệu quả chương trình khuyến mãi quốc gia, tăng cường vai trò các cơ quan xúc tiến thương mại, gia tăng các sự kiện như hội chợ, triển lãm nhằm đẩy mạnh quảng bá, khuyến mại; tổ chức nhiều hơn các lễ hội cuối năm, khôi phục lại các lễ hội và khuyến khích phát triển du lịch trong nước để tăng tổng cầu...
Chia sẻ một số giải pháp để phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng trong giai đoạn cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian qua, thương mại, dịch vụ, du lịch của nước ta đã có những phục hồi tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2023.
"Bộ Công Thương đề nghị các sở Công Thương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tổ chức hưởng ứng tham gia chương trình; đồng thời phát động thực hiện chương trình tại các địa phương trên toàn quốc đối với Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia năm 2024. Bộ Công Thương tin tưởng rằng, với sự hưởng ứng của các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp đặc biệt từ hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam thì chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2024 giúp khai thác tối đa, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ.
Cũng theo Thứ trưởng, với việc triển khai tổng thể nhiều giải pháp, chương trình khuyến mãi năm 2024 kỳ vọng sẽ đạt được các mục tiêu gồm kích cầu nội địa; tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng như tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bình ổn giá cả, ổn định thị trường.