JA Solar Investment (Trung Quốc) đầu tư dự án lớn tại tỉnh Bắc Giang
Không lo dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Việt Nam
Việt Nam được hưởng lợi lớn từ dòng dịch chuyển “Trung Quốc +1”. Nay với lo ngại các chính sách mới của Mỹ, Việt Nam có đáng lo?
Khi các vấn đề về địa chính trị giữa Mỹ, EU và Trung Quốc nổi lên, các doanh nghiệp sản xuất thực hiện chiến lược “Trung Quốc +1”, tức là họ chuyển một phần việc sản xuất sang các nước khác ngoài Trung Quốc. Việt Nam là một nước được hưởng lợi hàng đầu trong kế hoạch này. Đến bây giờ, trước những lo ngại về chính sách mới của ông Trump, có ý kiến lo ngại dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển một phần khỏi Việt Nam.
Ông James Huang, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) cho biết: “Tôi đã nói chuyện với nhiều CEO của các công ty lớn sau cuộc bầu cử Mỹ, và họ nói với tôi rằng sau các yêu cầu về ‘Trung Quốc + 1’ và ‘Đài Loan + 1’ trong nhiều năm qua, hiện họ đang được yêu cầu chuẩn bị cho kịch bản tương tự đối với Việt Nam trong kỷ nguyên Trump 2.0”.
“Trung Quốc +1” và “Đài Loan +1” đề cập đến các nhà cung cấp xây dựng năng lực sản xuất bên ngoài hai trung tâm này để giảm thiểu rủi ro địa chính trị phát sinh từ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như trên eo biển Đài Loan. Các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia cũng như Ấn Độ và Mexico là những nước hưởng lợi chính từ động thái này nhằm phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng mới bên ngoài Trung Quốc và Đài Loan trong những năm gần đây.
Ông Huang cho biết sau cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, TAITRA đã tiến hành khảo sát hơn 2.500 Chủ tịch và Giám đốc điều hành của các công ty Đài Loan trên nhiều ngành nghề và phát hiện ra rằng gần 66% trong số họ coi địa chính trị là rủi ro hoạt động chính, trong khi khoảng 60% cho biết Hoa Kỳ sẽ là thị trường quan trọng để phát triển.
Tuy nhiên, chỉ có 5% cho biết họ đang có kế hoạch đầu tư vào Hoa Kỳ, so với gần 90% cho biết họ không có kế hoạch đầu tư. Khoảng 40% cho biết họ chưa nghiên cứu về địa chính trị và kinh tế.
“Việt Nam và Mexico là những nước hưởng lợi lớn nhất từ chính sách của chính quyền Biden, nhưng chúng tôi khá chắc chắn rằng chính sách đó sẽ thay đổi khi ông Trump trở lại, đặc biệt là khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đang tăng lên”, ông Huang cho biết.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã nổi lên thành những điểm đến đầu tư hấp dẫn một phần nhờ vào sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Vị trí địa lý gần Trung Quốc và chi phí lao động thấp hơn đáng kể khiến các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan trở thành lựa chọn hàng đầu cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vì các công ty có thể dễ dàng vận chuyển các linh kiện do Trung Quốc sản xuất đến các thị trường này để lắp ráp tại địa phương.
Hồi giữa năm nay, tờ Nikkei Asia cho biết Google yêu cầu nhà cung cấp Trung Quốc Goertek sản xuất đồng hồ Pixel tại Việt Nam. Apple cũng đã mở rộng hơn việc gia công sản phẩm ở Việt Nam.
Tuy nhiên, khi việc sản xuất “di cư” ra khỏi Trung Quốc thì các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đi kèm theo. Tức là các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng đầu tư mạnh vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc nằm trong số những nhà cung cấp tích cực nhất khi nói đến việc xây dựng nhà máy bên ngoài Trung Quốc. Ví dụ, trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu gần đây nhất của Apple, 37% trong số 35 nhà cung cấp Apple tại Việt Nam là các công ty Trung Quốc, theo số liệu của tờ Nikkei Asia.
Brian Chen, đối tác tại KPMG Đài Loan và KPMG Việt Nam, cho biết các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc đã hành động rất nhanh để thực hiện các khoản đầu tư đáng kể vào Đông Nam Á trong hai năm qua. Tổng đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông đã vượt qua nguồn đầu tư nước ngoài hàng đầu là Singapore vào năm 2023.
“Sự thay đổi lớn nhất trong hai, ba năm qua là sự xâm nhập của các công ty Trung Quốc vào Đông Nam Á”, ông Huang nói, trích dẫn các cuộc thảo luận của ông với các CEO Đài Loan. Ví dụ, Đài Loan có nhiều nhà sản xuất bảng mạch in đã đầu tư vào Thái Lan gần đây, nhưng các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc đang đến Thái Lan với quy mô gấp đôi và tốc độ gấp đôi so với các nhà cung cấp Đài Loan.
Như vậy, có thể thấy, khi định hướng “Trung Quốc +1” ra đời, chuỗi sản xuất dịch chuyển sang Đông Nam Á và Việt Nam được hưởng lợi lớn tuy vẫn đang phải cạnh tranh với nhiều công ty Trung Quốc. Bây giờ, chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa hoạt động và các chính sách ngoại thương chưa cụ thể, những ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng chưa chắc chắn, thành thử xu hướng “Việt Nam +1” chưa đáng quan ngại. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, tổ chức, dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2025. "Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,... có thể sẽ dịch chuyển thêm các công đoạn sản xuất sang Việt Nam", KBSV nhận định.