Vì sao ông Trump đứng về phía TikTok?
Lời kêu gọi Tòa án Tối cao Mỹ hoãn thực thi đạo luật cấm nền tảng mạng xã hội TikTok của ông Trump gây bất ngờ, nhưng có thể tồn tại nhiều lý do đằng sau.
Mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tham gia vào cuộc tranh cãi gay cấn về số phận của TikTok tại Mỹ bằng một lá thư gửi Tòa án tối cao Mỹ vào ngày 27/12.
Trong thư, ông Trump và đội ngũ cho rằng tòa án nên cho ông thêm thời gian sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1/2025 để tìm kiếm một giải pháp đàm phán cho tranh chấp này.
Ông Trump viết rằng chỉ ông mới “có chuyên môn đàm phán toàn diện, sự ủy nhiệm từ cử tri, và ý chí chính trị để thương lượng một giải pháp nhằm cứu nền tảng này, đồng thời giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia mà chính phủ nêu ra.” Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết cụ thể về loại thỏa thuận mà ông muốn tìm kiếm hoặc thời gian trì hoãn cần thiết.
Tháng 4/2024, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA), trong đó buộc Bytedance, công ty mẹ của TikTok, phải chọn thoái vốn hoặc bị cấm tại Mỹ.
Hiện tòa án Mỹ đang xử lý vụ việc này theo một lịch trình cực kỳ gấp rút, với các phiên tranh luận được lên lịch vào một phiên họp đặc biệt ngày 10/01/2025, chỉ hơn một tuần trước khi luật có hiệu lực.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng việc TikTok bị kiểm soát bởi Trung Quốc đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. "Nền tảng này thu thập dữ liệu nhạy cảm của hàng chục triệu người Mỹ và có thể trở thành công cụ mạnh mẽ cho các chiến dịch tác động ngầm của một đối thủ nước ngoài,” theo lập luận của Tổng luật sư Elizabeth Prelogar, luật sư hàng đầu của chính quyền ông Biden tại Tòa án Tối cao.
Trong khi đó, TikTok nói với các thẩm phán rằng Quốc hội Mỹ đã không xem xét các lựa chọn thay thế trước khi ban hành lệnh cấm. “Lịch sử và tiền lệ cho thấy rằng, ngay cả khi liên quan đến an ninh quốc gia, lệnh cấm ngôn luận phải là phương sách cuối cùng của Quốc hội,” công ty này lập luận.
Dự đoán những lý do từ phía ông Trump
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng ủng hộ lệnh cấm TikTok, nhưng gần đây đã thay đổi quan điểm vì nền tảng này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút cử tri trẻ ủng hộ ông.
Phát biểu tại sự kiện AmericaFest ở Arizona ngày 22/12, ông cho biết TikTok đã mang lại "hàng tỷ và hàng tỷ lượt xem" cho thông điệp tranh cử của ông, tạo nên một kỷ lục ấn tượng. Ông thừa nhận rằng những kết quả này khiến ông cân nhắc giữ lại TikTok, bởi sự lan tỏa mạnh mẽ trên nền tảng này đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của ông.
Nếu ông Trump tiếp tục dựa vào TikTok để truyền tải thông điệp trong tương lai, việc giữ lại nền tảng này có thể trở thành một lợi thế chính trị không nhỏ.
Chưa kể gần đây, Tổng thống đắc cử đã gặp Giám đốc điều hành TikTok, Shou Chew, tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của mình trong tháng 12, nằm trong chuỗi các cuộc gặp với các giám đốc điều hành công nghệ lớn đang hoạt động ở Mỹ. Không rõ nội dung trao đổi là gì, nhưng ít nhất TikTok đã có một cơ hội để thay đổi cách nhìn của lãnh đạo Mỹ tương lai.
Bên cạnh đó, trong một đơn gửi tòa án gần đây, ông Trump lập luận rằng việc cấm TikTok có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, khiến các quốc gia khác dễ dàng đóng cửa các nền tảng mạng xã hội vì những lo ngại tương tự.
“Luật này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trên toàn cầu bằng cách sử dụng quyền lực phi thường để đóng cửa toàn bộ một nền tảng mạng xã hội, phần lớn dựa trên các mối lo ngại về những phát ngôn bị xem là bất lợi trên nền tảng đó,” ông Trump cho biết trong lá đơn gửi bởi John Sauer, Trưởng nhóm luật sư của ông.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nền tảng mạng xã hội lớn như Twitter và Facebook, khiến ông phải tự thành lập Truth Social để duy trì đội thoại với người ủng hộ. Bởi vậy, việc ngăn cản một tiền lệ như TikTok cũng có thể nằm trong tính toán chiến lược truyền thông trong dài hạn.
Lý do kinh tế rõ ràng không thể xem thường. Bất chấp lo ngại về an ninh dữ liệu, TikTok góp phần đáng kể vào nền kinh tế Mỹ, tạo ra hàng nghìn việc làm và đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế nội địa của Hoa Kỳ - cũng là lý do chính khiến cộng đồng nhà sáng tạo nội dung đứng về phía công ty.
Việc duy trì TikTok có thể được xem như một thông điệp của ông Trump trong việc đảm bảo các chính sách kinh tế thân thiện với doanh nghiệp, tăng cường việc làm và thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.