Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Tạo động lực phát triển kinh tế số
Trong bối cảnh nhiều nước đã bắt đầu hình thành khung pháp lý về quản lý tài sản mã hóa, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được cho sẽ tạo động lực phát triển kinh tế số.
Theo thống kê, năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019; giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới: Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Để phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật lần này là tài sản số, tài sản mã hóa được đưa vào một trong số các sản phẩm, dịch vụ được thử nghiệm.
Theo đại diện Cục Công nghiệp - Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, thực tế hiện nay, Việt Nam đang bỏ trống khung pháp lý về tài sản số, tiền số dù giao dịch thực tế rất lớn.
Thống kê các sàn giao dịch tài sản số cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người và hằng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được đổ vào nước ta. Tài sản số nói chung hay tiền số hiện đã phát triển, liên quan đến nhiều người và là xu hướng của thế giới. Vì vậy, Việt Nam phải có khung pháp lý để điều chỉnh.
“Nguyên tắc quản lý tài sản số đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; có thể chuyển giao, tương thích với các hệ thống khác; quản lý theo vòng đời; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật và hỗ trợ phát triển bền vững”, Cục Công nghiệp - Công nghệ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho hay, hiện nay, tài sản mã hóa là xu hướng phát triển tất yếu, các giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng phát triển. Việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, tài sản số, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa là rất cần thiết.
Theo Ths Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Việt Nam đang nằm trong 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất. Điều này đặt ra yêu cầu phải quản lý, giám sát tài sản mã hóa. Việc sớm quản lý loại tài sản này sẽ giúp giảm rủi ro, như thất thu thuế, rửa tiền và mất kiểm soát chủ quyền tiền tệ…
Các chuyên gia bày tỏ, việc Chính phủ trình Quốc hội Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có một chương quy định về tài sản số, tài sản mã hóa được coi là nền móng bước đầu để quản lý với loại tài sản này.
Góp ý Dự thảo Luật, TS Nguyễn Đức Thủy - Viện Công nghệ số và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nên áp dụng chính sách “sandbox” là cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm chính sách, ý tưởng hoặc mô hình kinh doanh mới, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý, để đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh, trước khi ban hành thành một chính sách chung.
Chính sách sandbox cũng được nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á áp dụng (đến năm 2023, có 39 sandbox trong khu vực). Tại Việt Nam, hiện mới áp dụng khung thể chế thử nghiệm đối với mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ trong lĩnh vực vận tải (Grab Taxi) và khung thể chế thử nghiệm tiền điện tử (Mobile Money).
Tuy nhiên, các biện pháp quản lý Nhà nước đối với các vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...
Được biết, hiện nay, nhiều nước đã bắt đầu hình thành khung pháp lý về quản lý tài sản mã hóa nhằm đưa tài sản mã hóa vào đối tượng quản lý và giám sát thay vì không được công nhận hay bị cấm như trước đây. Đa số các quốc gia thuộc nhóm G20 (trừ Trung Quốc) có xu hướng công nhận tài sản mã hóa, cấp phép một số loại dịch vụ tài sản mã hóa, cấp phép với các sàn giao dịch tài sản mã hóa, đánh thuế đối với giao dịch tài sản mã hóa.