Kinh tế vĩ mô

Lấy nông nghiệp, du lịch… làm động hướng tới phát thải ròng “Net Zero”

Bài và Ảnh: Hương Giang 29/12/2024 03:40

Lấy nông nghiệp, du lịch… làm động lực thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và hướng đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).

Đó là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo triển khai chương trình khoa học và công nghệ, phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Việt Nam cho vùng Đông Nam Bộ, được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mới đây.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Thường trực CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam): Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Thường trực CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam): Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu "khó tính", thì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh tay tiến tới nông nghiệp Net Zero, nếu không muốn tụt hậu.

Lấy nông nghiệp, du lịch… làm động lực

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Thường trực CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam), trong xu hướng toàn cầu, đại đa phần các nước phát triển lấy ngành nông nghiệp và du lịch làm cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống. Và có lẽ, Việt Nam cũng nên bắt đầu từ câu chuyện này. Tức là chúng ta lấy ngành nông nghiệp làm cơ sở thúc đẩy, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam nói chung và Đông Nam bộ nói riêng.

Cũng theo ông Hoàng Anh, có thể thấy, thời gian qua, nền nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và xuất khẩu mang lại hiệu quả cao. Nông sản Việt vượt mọi rào cản để đến với rất nhiều thị trường được coi là "khó tính" bậc nhất thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Úc... Do đó, Việt Nam không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết Net Zero.

“Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu "khó tính", thì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh tay tiến tới nông nghiệp Net Zero, nếu không muốn tụt hậu. Sở dĩ, theo số liệu thống kê, nền nông nghiệp hiện đang chịu tổn thương nặng nề từ biến đổi khí hậu, đồng thời là nguồn phát thải lớn thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Mỗi năm, sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước. Vì vậy, đây chính là vấn đề mà chúng ta cần phải khẩn trương thực hiện để bắt nhịp xu thế”, ông Hoành Anh lưu ý.

Theo ông Hoàng Anh, vẫn biết rằng lộ trình để ngành nông nghiệp tiến tới Net Zero là một hành trình đầy khó khăn và không ít tốn kém. Theo số liệu tính toán thì Việt Nam cần đến hàng trăm tỷ USD đầu tư cho hạ tầng, cho năng lượng và các hoạt động hướng đến đưa phát thải ròng về mức bằng 0. Song, chúng ta không thể không làm. Bởi, để hướng đến phát triển nông nghiệp tuần hoàn, giảm thải metal, hướng tới Net Zero metal vào năm 2050 là yêu cầu bắt buộc để tồn tại, để phát triển xuất khẩu. Do đó, ngành nông nghiệp không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng du lịch là ngành công nghiệp không khói, và Net Zero là xu hướng mới trong ngành du lịch. Do đó, đây là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới mục tiêu để giảm thiểu hoặc loại bỏ lượng khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động du lịch. Qua đó, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của thế giới về biến đổi khí hậu.

netzero 3
Ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: du lịch là ngành công nghiệp không khói. Do đó, đây là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới mục tiêu để giảm thiểu hoặc loại bỏ lượng khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động du lịch.

Giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch

Cũng theo ông Hải, Net Zero có ý nghĩa quan trọng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi đạt được mục tiêu Net Zero, chúng ta sẽ ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, để xây dựng môi trường du lịch bền vững, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên, giảm phát thải, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch để tạo ra lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân địa phương. Đồng thời, gấp rút xây dựng cộng đồng rộng lớn để truyền thông, lan tỏa tới mọi thành phần trong xã hội.

Chia sẻ về một số định hướng triển khai khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu Net Zero tại khu vực Đông Nam Bộ, PGS, TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, cho rằng khu vực Đông Nam bộ có tiềm năng lớn để thực hiện các chương trình Net Zero do tính chất kinh tế năng động và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Bên cạnh đó, ngoài thế mạnh về điều kiện tự nhiên, thế mạnh kinh tế và công nghệ công nghiệp hiện đại, vùng Đông Nam bộ còn là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có thể áp dụng các công nghệ sản xuất xanh, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch; phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và giao thông vận tải hiện đại….

Net zero 2
PGS, TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam: khu vực Đông Nam bộ có tiềm năng lớn để thực hiện các chương trình Net Zero do tính chất kinh tế năng động và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Cũng theo PGS, TS Phùng Chí Sỹ, theo định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại vùng Đông Nam bộ, thời gian tới, khu vực này cần xác định các nguồn phát thải chính, bao gồm công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và các hoạt động đô thị; nghiên cứu, triển khai hệ thống điện mặt trời kết hợp pin lưu trữ năng lượng cho các khu dân cư, khu công nghiệp và doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển công nghệ điện gió trên đất liền và ngoài khơi đặc biệt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; nghiên cứu công nghệ sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm tại các tỉnh, như: Đồng Nai, Bình Dương.

Ngoài ra, khu vực Đông Nam bộ cần triển khai các giải pháp hydro xanh để lưu trữ và vận chuyển năng lượng; áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu sạch trong sản xuất công nghiệp; nghiên cứu và triển khai xe điện và các giải pháp giao thông công cộng xanh; thiết kế các mô hình đô thị thông minh, tối ưu hóa sử dụng năng lượng và quản lý chất thải...

Bài và Ảnh: Hương Giang