Tham vọng hàng không của các nước Đông Nam Á
Hầu như tất cả các nước ASEAN đều đang và sẽ xây dựng, mở rộng sân bay để đáp ứng như cầu đi lại ngày càng tăng. Long Thành là dự án lớn nhất trong khu vực.
Đông Nam Á là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Trong báo cáo “Triển vọng thị trường thương mại năm 2024”, Boeing dự đoán rằng lưu lượng hàng không ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba lần trong 20 năm tới, tăng trưởng với tốc độ hằng năm là 7,2%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 4,7%.
Điều này tạo ra một thách thức lớn cho khu vực Đông Nam Á. Nhiều quốc gia ASEAN thiếu cơ sở hạ tầng sân bay đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ này, và nơi có cơ sở hạ tầng, thường hoạt động vượt xa công suất theo kế hoạch. Đây là lý do tại sao khu vực này hiện là nơi có một số khoản đầu tư đầy tham vọng nhất thế giới vào các sân bay mới và mở rộng sân bay. Trong đó, sân bay Long Thành là dự án lớn nhất cả về quy mô lẫn vốn đầu tư.
Việt Nam: Dự án sân bay lớn nhất khu vực
Việt Nam đang rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển và sức hấp dẫn ngày càng tăng của mình như một điểm đến du lịch, trong khi các sân bay hiện tại đang bị “hụt hơi”.
Sân bay quốc tế Nội Bài (HAN) tại Hà Nội được thiết kế để đón 10 triệu lượt khách mỗi năm và hiện đang phục vụ 30 triệu lượt khách, trong khi Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) tại Thành phố Hồ Chí Minh có công suất 30 triệu lượt khách mỗi năm và đã vượt qua con số đó từ hơn một thập kỷ trước.
Việt Nam đang giải quyết vấn đề này thông qua một quy hoạch tổng thể ngắn hạn về phát triển các sân bay quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn dài hạn đến năm 2050. Kế hoạch tập trung vào việc phát triển nhanh chóng năng lực tại các sân bay lớn nhất của đất nước và tăng số lượng sân bay thương mại từ 23 lên 30.
Tại Hà Nội, dự án mở rộng nhà ga quốc tế Nội Bài trị giá 200 triệu đô la đã được khởi công vào đầu năm nay và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Dự án này sẽ tạm thời giải quyết tình trạng khó khăn, nhưng kế hoạch lớn hơn là đầu tư hơn 4 tỷ đô la để tăng công suất lên 60 triệu hành khách vào năm 2030.
Giai đoạn này sẽ bắt đầu vào năm sau với việc bổ sung nhà ga thứ ba và đường băng mới. Ngoài ra còn có cuộc thảo luận về việc xây dựng thêm một sân bay thứ hai cho Hà Nội để đạt mục tiêu công suất 100 triệu hành khách vào năm 2050.
Ở phía Nam, các kế hoạch thậm chí còn trọng điểm hơn. Tại Tân Sơn Nhất, một nhà ga thứ ba trị giá 450 triệu đô la đang được xây dựng, sẽ tăng thêm sức chứa cho 20 triệu hành khách mỗi năm khi mở cửa vào năm tới.
Nhưng đây cũng là những giải pháp trước mắt trong khi đợi khánh thành Sân bay quốc tế Long Thành mới trị giá 20 tỷ đô la hiện đang được xây dựng. Khi hoàn thành, cơ sở này sẽ có bốn đường băng và bốn nhà ga để tạo ra năng lực cho hơn 100 triệu hành khách mỗi năm. Đây là dự án lớn nhất từng được thực hiện tại Việt Nam và là dự án phát triển sân bay lớn nhất trong khu vực.
Thái Lan: Mở rộng vị thế dẫn đầu về du lịch
Thái Lan vẫn là điểm đến du lịch phổ biến nhất Đông Nam Á , với gần 40 triệu du khách ghé thăm hằng năm. Nhưng bất kỳ ai đã bay qua Sân bay quốc tế Suvarnabhumi của Bangkok đều có thể thấy rằng cơ sở hạ tầng đang phải vật lộn để đối phó với số lượng khách ngày càng tăng này.
Để giải quyết vấn đề này, Suvarnabhumi đã mở một nhà ga vệ tinh mới vào năm ngoái, có khả năng tiếp nhận thêm 15 triệu hành khách mỗi năm. Cùng với đường băng thứ ba được mở vào tháng trước, công suất hàng năm của sân bay đã được tăng lên 60 triệu hành khách. Hiện tại, sân bay có kế hoạch xây dựng một nhà ga phía Nam mới, thậm chí còn lớn hơn nhà ga chính hiện tại và dự kiến sẽ tăng công suất hành khách thêm 70 triệu người mỗi năm. Dự án bao gồm việc xây dựng đường băng thứ tư, với chi phí ước tính là 7 tỷ đô la và dự kiến hoàn thành vào năm 2031.
Sân bay Don Mueang ở Băng Cốc cũng đang phải vật lộn để theo kịp sự tăng trưởng của các hãng hàng không giá rẻ có trụ sở tại đây, chẳng hạn như Nok Air, Thai AirAsia, Thai AirAsia X và Thai Lion Air. Vì vậy, sân bay này cũng đang được mở rộng thêm 1 tỷ đô la, thêm một nhà ga quốc tế mới để tăng sức chứa từ 30 triệu lên 50 triệu hành khách mỗi năm.
Dự án tham vọng nhất của Thái Lan là việc tạo ra một “thành phố hàng không” trị giá 9 tỷ đô la tại sân bay U-Tapao. Sân bay này đang được mở rộng để cuối cùng có thể phục vụ tới 60 triệu hành khách mỗi năm và sẽ có thể phục vụ Băng Cốc và các sân bay hiện có của thủ đô bằng các kết nối đường sắt cao tốc.
Nếu điều đó vẫn chưa đủ, chính phủ Thái Lan có kế hoạch mở rộng các sân bay hiện có tại Chiang Mai (thành phố lớn thứ hai của Thái Lan) và Phuket, xây dựng một sân bay thứ hai cho mỗi sân bay ở đó (Sân bay Lanna ở Chiang Mai và Sân bay Andaman ở Phuket), cũng như xây dựng sáu sân bay khu vực mới tại Mukdahan, Bueng Kan, Satun, Phayao, Kalasin và Phatthalung, tất cả vào năm 2030.
Campuchia: Tham vọng tăng trưởng lớn
Nước láng giềng Campuchia đang xây dựng một sân bay mới trị giá 1,5 tỷ đô la để phục vụ thủ đô Phnom Penh. Giai đoạn đầu tiên của Sân bay quốc tế Techo, nằm cách Phnom Penh khoảng 20km về phía nam, dự kiến sẽ mở cửa vào năm tới với một đường băng và nhà ga duy nhất và ban đầu có thể phục vụ 13 triệu hành khách mỗi năm.
Giai đoạn hai sẽ bao gồm đường băng thứ hai và tăng sức chứa lên 30 triệu hành khách vào năm 2030, giai đoạn ba dự kiến sẽ bao gồm nhà ga thứ hai và đường băng thứ ba để tăng sức chứa lên 50 triệu hành khách.
Năm ngoái, Campuchia đã khai trương Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor, được xây dựng trong ba năm với chi phí khoảng 1 tỷ đô la. Sân bay mới rộng 700 ha này là sân bay lớn nhất cả nước và khi hoàn thành toàn bộ, sẽ có thể phục vụ 12 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Công trình này được xây dựng để theo kịp ngành du lịch đang phát triển nhanh chóng của Campuchia: Hàng triệu du khách đến Siem Reap mỗi năm để tham quan di tích Angkor Wat, quần thể đền thờ Phật giáo rộng lớn và là điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của Campuchia.
Các nước còn lại
Có rất nhiều dự án sân bay lớn khác trên khắp khu vực, những điểm nổi bật bao gồm:
Sân bay | Vị trí | Công suất hành khách mới/bổ sung | Thời gian hoàn thành dự kiến | Chi phí dự kiến (USD) |
Long Thành (sân bay mới) | Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam | 100 triệu | 2026 (Giai đoạn 1) | 20 tỷ |
Bulacan (sân bay mới) | Manila, Philippines | 100 triệu | 2028 (Giai đoạn 1) | 13,5 tỷ |
Sangley Point (mở rộng) | Manila, Philippines | 75 triệu | 2028 (Giai đoạn 1) | 11 tỷ |
Changi (mở rộng) | Singapore | 50 triệu | 2035 | 10 tỷ |
U-Tapao (mở rộng) | Bangkok, Thái Lan | 60 triệu | 2028 (Giai đoạn 1) | 9 tỷ |
Suvarnabhumi (mở rộng) | Bangkok, Thái Lan | 70 triệu | 2031 | 7 tỷ |
Nội Bài (mở rộng) | Hà Nội, Việt Nam | 40 triệu | 2030 | 4 tỷ |
Ninoy Aquino (mở rộng) | Manila, Philippines | 35 triệu | 2027 | 3 tỷ |
Techo (sân bay mới) | Phnom Penh, Campuchia | 50 triệu | 2025 (Giai đoạn 1) | 1,5 tỷ |
Don Mueang (mở rộng) | Bangkok, Thái Lan | 20 triệu | 2030 | 1 tỷ |
Bảng: 10 dự án sân bay lớn hàng đầu tại Đông Nam Á
Philippines có nhiều dự án sân bay tập trung chủ yếu tại khu vực Manila, như sân bay New Manila xây mới với vốn 14 tỷ USD, công suất 35 triệu hành khách/năm ban đầu, đạt 100 triệu khi hoàn thành (bằng với sân bay Long Thành); Sân bay Sangley Point: Mở rộng 11 tỷ USD, nâng cấp thành sân bay quốc tế với 4 đường băng, công suất 75 triệu hành khách/năm; Sân bay Clark mở rộng 400 triệu USD, thêm 1 đường băng, nâng công suất lên 30 triệu hành khách/năm.
Malaysia cũng lên kế hoạch tăng gấp đôi công suất sân bay. Họ đang có kế hoạch xây dựng các sân bay mới và mở rộng các cơ sở hiện có để phục vụ 150 triệu hành khách hàng năm vào năm 2030, gấp đôi công suất hiện tại của quốc gia này. Bao gồm cả kế hoạch mở rộng và xây dựng mới. Kedah Aerotropolis ở phía bắc Malaysia là sáng kiến trị giá 1,5 tỷ đô la nhằm xây dựng một trung tâm trung chuyển hàng hóa khổng lồ phục vụ Trung Quốc và khu vực rộng lớn hơn.
Ngoài ra còn có kế hoạch nâng cấp Sân bay quốc tế Kuala Lumpur để phục vụ hơn 100 triệu hành khách mỗi năm, mở rộng Sân bay quốc tế Penang với chi phí 350 triệu đô la để tăng gấp đôi công suất và tái phát triển Sân bay Subang cũ của Kuala Lumpur để hỗ trợ kết nối kinh doanh nội Á, giống như các sân bay như Tùng Sơn Đài Bắc và Gimpo Seoul.
Singapore có sân bay tốt nhất thế giới và đang ngày càng mở rộng. Việc mở rộng Nhà ga 2 vào năm 2023 đã tăng công suất tại Sân bay Changi của Singapore lên 95 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay hiện đang bắt tay vào dự án Nhà ga 5, với việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm tới. Được thiết kế để tăng thêm công suất cho 50 triệu hành khách mỗi năm, sân bay được thiết kế với ý tưởng "sân bay như một thành phố", với mỗi khu vực là một "chuỗi các khu phố" có đặc điểm riêng. Tổng chi phí dự án dự kiến là 10 tỷ đô la và sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào giữa những năm 2030.
Indonesia xây sân bay mới cho thủ đô mới. Dự án tốn kém và đầy tham vọng nhất này phục vụ thủ đô tương lai Nusantara trên đảo Borneo. Sân bay trị giá 400 triệu đô la, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 15 km, dự kiến sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào cuối năm nay.
“Đại công trường sân bay” này của Đông Nam Á đã thể hiện vị trí quan trọng của khu vực này trên bản đồ du lịch thế giới hàng thập kỷ tới.